Giải đáp những băn khoăn về việc "xử phạt người không phân loại rác"

(Dân trí) - Lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định chưa tiến hành xử phạt người dân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo Nghị định 45 từ ngày 25/8 tới.

Chưa xử phạt người dân không phân loại rác từ ngày 25/8

Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực từ ngày 25/8 nêu rõ nội dung, "xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định".

Thực tế, đã có nhiều luồng ý kiến lo ngại việc người dân, hộ gia đình sẽ bị phạt nặng về hành vi không phân loại rác từ thời điểm trên.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Tổng cục Môi trường khẳng định đó là cách hiểu chưa đúng. Nghị định 45 quy định xử phạt hành vi "không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định" nhưng hiện lại chưa có quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Giải đáp những băn khoăn về việc xử phạt người không phân loại rác - 1

Rác thải sinh hoạt không được phân loại, gom chung để vận chuyển tới các bãi rác ven Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, UBND cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn về phân loại rác thải thì các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác… ở địa phương mình để quy định chi tiết việc này.

"Khi nào địa phương có quy định cụ thể về phân loại rác thải thì mới có thể xem xét xử phạt người dân, hộ gia đình vi phạm. Vì thế, chưa thể có việc cơ quan chức năng xử phạt hành vi không phân loại rác thải từ ngày 25/8 tới như một số ý kiến lo ngại"- vị lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho hay.

Chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại như thế nào?

Tại cuộc họp gần nhất ở Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt, đại diện Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường) cho rằng, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại dựa trên các yêu cầu xử lý và theo 3 nhóm gồm: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Tùy theo từng khu vực, tính chất và nguồn phát sinh rác thải, trình độ dân trí, điều kiện đầu tư trang thiết bị, quy mô công nghệ xử lý chất thải sau phân loại… có thể lựa chọn những phương thức phân chia theo nhóm chất thải khác nhau cho phù hợp với từng khu vực thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Bên cạnh đó, các địa phương có thể tổ chức phân chia thêm thành các nhóm chất thải như: Chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải thuộc nhóm sản phẩm, bao bì tái chế theo trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã yêu cầu Tổng cục Môi trường hoàn thiện dự thảo hướng dẫn, trong đó nêu rõ nguyên tắc phân loại và kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt kèm theo phụ lục hướng dẫn chi tiết, cụ thể để UBND các địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý rác…

Giải đáp những băn khoăn về việc xử phạt người không phân loại rác - 2

Theo Luật Bảo vệ môi trường, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024. Trong ảnh, rác thải ùn ứ, chất đống tại khu vực phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội (Ảnh: Trần Thanh).

Không phân loại rác có thể từ chối thu gom, vận chuyển

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những nội dung mới, đáng chú ý nhất của luật là quy định thu phí rác thải sinh hoạt dựa trên khối lượng, thể tích của chất thải các hộ gia đình thải bỏ - tức là xả rác càng nhiều thì phải trả càng nhiều tiền.

Để bảo đảm tính khả thi, luật đã đưa ra một số quy định. Trong đó, căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Tại các điểm tập kết rác thải, nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm (thông qua hệ thống camera giám sát).

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân.

UBND cấp xã được giao trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ, xử lý hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Việc phân loại rác tại nguồn đã từng thất bại

Việc phân loại rác thải sinh hoạt đã được thực hiện thí điểm từ năm 2006. Khi đó, Hà Nội đã thực hiện thí điểm dự án phân loại rác tại nguồn (gọi tắt là Dự án 3R) do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Với mục tiêu nhằm làm giảm, tái chế và tái sử dụng rác thải, dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Sau thời gian thí điểm, lượng rác đưa đi chôn lấp giảm 30%, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xử lý rác, kéo dài tuổi thọ các bãi chôn lấp… Tuy nhiên, chỉ trong 3 năm, dự án đã phải dừng lại do JICA dừng tài trợ chương trình.

Một số địa phương khác cũng đã thí điểm phân loại rác tại nguồn nhưng không đạt kết quả hoặc không được duy trì gồm: TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ năm 2017, Bắc Ninh năm 2014, Hưng Yên năm 2012, Lào Cai 2016.