Gần 7.000 xe công dùng sai mục đích

Số lượng xe công sử dụng sai mục đích, tiêu chuẩn là gần 7.000, theo báo cáo bước đầu từ Đoàn giám sát của Quốc hội.

Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 vừa gửi Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả bước đầu, phục vụ phiên họp thứ 9.

Theo báo cáo, giai đoạn 2016-2021, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công dần được hoàn thiện. Khuôn khổ pháp lý quản lý, sử dụng tài sản công cơ bản được điều chỉnh đầy đủ, từ khi hình thành, đến sử dụng, khai thác và xử lý tài sản. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được vận hành có hiệu quả...

Tuy nhiên, qua xem xét báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan thanh tra, Đoàn giám sát thấy rằng "trong quản lý, sử dụng tài sản công còn nhiều hạn chế", vẫn còn xảy ra hiện tượng mua sắm và sử dụng tài sản công là phương tiện đi lại, thiết bị làm việc... không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức.

Tổng hợp số liệu báo cáo không đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2016-2021 cho thấy số lượng phương tiện đi lại (ôtô, môtô, xe gắn máy) sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ là hơn 6.900; số tiền xử lý vi phạm về sử dụng phương tiện đi lại là 4,8 tỷ đồng.

Trên 33.600 tài sản khác được mua sắm, sử dụng sai mục đích, sai chế độ được phát hiện. Số tiền xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản khác là hơn 38,2 tỷ đồng. Diện tích nhà công vụ sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ gần 14.800 ha. Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia trong lĩnh vực giao thông, cung cấp điện cũng được đánh giá "chưa thật sự hiệu quả"...

Đoàn giám sát ghi nhận vẫn còn tình trạng đầu tư xây dựng trụ sở chưa phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Việc xử lý, sắp xếp các trụ sở cũ và huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để tạo nguồn vốn đầu tư chưa hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát.

Vì vậy, Đoàn giám sát đề nghị các bộ, ngành, địa phương bổ sung báo cáo cụ thể việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc... Các đơn vị cũng phải báo cáo chi tiết việc di dời, chuyển đổi trụ sở, việc chấp hành các quy định hoàn trả nhà nước hoặc để lãng phí tài sản nhà nước.

"Phải làm rõ số lượng trụ sở nhà nước không sử dụng hoặc chỉ sử dụng một phần, phần còn lại cho thuê, liên doanh liên kết không đúng quy định pháp luật", Đoàn giám sát nêu, yêu cầu kiểm đếm, thống kê diện tích không sử dụng của tất cả các nhà ở xã hội và nhà tái định cư...

Các bộ Giao thông Vận tải, Công Thương được yêu cầu báo cáo cụ thể hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia thuộc lĩnh vực phụ trách. Bộ Tài chính thống kê, kiểm đếm làm rõ việc quản lý, sử dụng tài sản công. Còn Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước rà soát, tổng hợp, báo cáo chi tiết các vi phạm của từng bộ, ngành, địa phương theo từng năm.

Tính đến ngày 23/3, Đoàn giám sát của Quốc hội chưa nhận được báo cáo của 32 bộ, cơ quan trung ương, 10 HĐND cấp tỉnh, 9 UBND cấp tỉnh, 2 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10.

Hoàng Thùy