Du học sinh cần những kỹ năng gì

Tư duy mở, sống hết mình và sáng tạo trong giải quyết vấn đề khi du học... là cách giúp du học sinh hòa nhập nhanh trong môi trường quốc tế.

Tại số đầu tiên của chuỗi tọa đàm "Shine with Australia - Tỏa sáng cùng Australia", bà Phoebe Trần - host chương trình IELTS Face-off, Giám đốc quốc gia Crimson Education, cho biết trong khoảng thời gian đi học ở một đất nước khác, các bạn trẻ có thể nhận thấy những điều khác biệt với tư tưởng "đóng đinh" trước đó.

Ví dụ như quan điểm về học tập, giá trị điểm số ở Australia và một số nước phát triển khác với Việt Nam. Nếu không tập trung những yếu tố này, học sinh hoàn toàn có thể đi làm từ sớm và đạt một số thành tựu nhất định. Đây cũng là một phần quan trọng của cuộc sống.

Do đó, du học sinh cần bước ra khỏi gia đình và đi tìm chính mình, tức xác định bản thân là ai, muốn gì... Để làm được điều này, bà khuyên du học sinh nên mở rộng tư duy, chấp nhận và tiếp thu những điều khác biệt, hạn chế việc chỉ nhìn vào mặt tiêu cực của cuộc sống.

"Hãy nghĩ sự vật, sự việc xung quanh như một cái đẹp, tìm hiểu tại sao nó lại có sự khác biệt như vậy", host chương trình IELTS Face-off nói thêm.

Nghệ sĩ quốc tế Thanh Bùi - Chủ tịch tổ chức giáo dục Embassy Education cũng khuyên du học sinh nên sống hết mình, tiếp nhận mọi cơ hội và không sợ tiếp cận những điều mới mẻ.

"Du học không chỉ để học. Các bạn phải biết khám phá, vui chơi, làm bất kỳ điều gì mình muốn để tìm ra câu trả lời: mình là ai, tại sao mình sống ở đây và mục tiêu của bản thân là gì", ông nhấn mạnh.

Nghệ sĩ nhận định, khi tìm được đam mê của mình, các bạn trẻ nói chung, du học sinh nói riêng có thể thực sự sống vì điều đó. Khi đó, công việc còn có thể là niềm vui, một cuộc chơi của mỗi người.

Trải nghiệm, sống hết mình cũng là một cách để khám phá đam mê của bản thân. Ảnh minh họa: Đại học Maccquarie

Các du học sinh tại Đại học Maccquarie. Ảnh: Đại học Maccquarie

Với tư cách là một người mẹ, bà Phạm Thị Cúc Hà - nhà sáng lập kiêm Giám đốc SACE College Việt Nam, Phó Chủ tịch hội đồng Hanoi Adelaide School, khuyến khích du học sinh đề cao tính thực tiễn và có kế hoạch cho mục tiêu của mình.

Điều này cũng thể hiện khả năng thích ứng, linh hoạt trước những thay đổi nhanh chóng của xã hội - kỹ năng rất cần thiết trong bối cảnh bình thường mới. Các bạn trẻ nên điều chỉnh mục tiêu sao cho phù hợp với thực tế, thay vì nhất định chỉ hướng tới duy nhất những gì đã đặt ra trước đó.

"Việc học trường nào cũng không quá quan trọng, bởi lẽ, khi học đại học, các bạn sẽ phải tự điều chỉnh và tự học rất nhiều", bà khẳng định.

Theo bà, kỹ năng thích ứng còn thể hiện ở tính kỷ luật khi du học sinh bước ra khỏi vòng tay của cha mẹ. Điều này giúp các bạn quản lý bản thân tốt hơn, giống như "cột mốc" để neo lại khi muốn bay bổng, từ đó, kiên trì với mục tiêu, kế hoạch của chính mình.

Bà Cúc Hà (ngoài cùng bên trái) và đội ngũ giáo viên tại Hanoi Adelaide School giáo dục học sinh với phương châm tự khám phá bản thân và tự do làm điều mình muốn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bà Cúc Hà (ngoài cùng bên trái) và đội ngũ giáo viên tại Hanoi Adelaide School giáo dục học sinh với phương châm tự khám phá bản thân và tự do làm điều mình muốn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bên cạnh đó, các diễn giả cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của năng lực giải quyết vấn đề đối với du học sinh. Để nâng cao kỹ năng này, bà Phoebe Trần đưa ra một số gợi ý về "tài nguyên bài học" cho người trẻ như tiếp nhận lời khuyên từ những người đi trước; chuyên gia tại các chương trình, tọa đàm trực tuyến...

Tuy nhiên, mỗi người sẽ có những vấn đề khác nhau. Do đó, người trẻ cần cải thiện kỹ năng theo nhiều khía cạnh để phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Một cách hữu hiệu để làm được điều này là phân tích và giải quyết vấn đề khó trước hoặc ngược lại để lấy động thực cải thiện.

Host chương trình cho rằng các bạn trẻ hiện nay có cách giải quyết vấn đề rất tốt. Vì vậy, việc học hỏi lẫn nhau cũng là một cách hiệu quả.

Nghệ sĩ Thanh Bùi bổ sung, yếu tố sáng tạo cũng rất quan trọng trong việc trau dồi kỹ năng giải quyết vấn đề. "Vấn đề có mọi lúc, mọi nơi và không ai biết ngày mai sẽ xảy ra điều gì. Chúng ta nên trao cho các em sự tự do trong suy nghĩ, từ đó, tìm ra câu trả lời cho chính mình", ông khuyên các nhà hoạt động giáo dục.

Theo ông, mỗi người đều quyền được sai, để từ đó học hỏi. Do đó, các bạn trẻ, đặc biệt là du học sinh, không nên sợ sai, ngại đưa ra quyết định, sợ chịu trách nhiệm hay đánh giá của mọi người xung quanh. "Không có "đúng" hay "sai" trong giải quyết vấn đề. Quyết định phụ thuộc vào mỗi cá nhân, bối cảnh và thời điểm", ông nói thêm.

Bên cạnh các yếu tố trên, bà Cúc Hà cho rằng việc phân tích, nhận định vấn đề cũng rất quan trọng. Steve Jobs từng nói: "Khi chúng ta định nghĩa được vấn đề là chúng ta đã giải quyết nó 90% rồi".

Khi nhìn nhận, các bạn cần trung thực với mọi người xung quanh và với chính bản thân để có thể hiểu tận sâu bản chất vấn đề. Sau đó, khi tìm cách giải quyết, mỗi người cần tìm hiểu thật nhiều thông tin, phân tích và nghĩ điều gì là quan trọng, làm bản hạnh phúc.

"Khi có những cái giá trị đó, chúng ta mới tập trung giải quyết vấn đề làm sao mang lại kết quả thiết thực cho bản thân, gia đình và xã hội", bà nhấn mạnh.

Nhật Lệ

"Shine with Australia - Tỏa sáng cùng Australia" là chuỗi tọa đàm trang bị hành trang du học cho du học sinh trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình với nền giáo dục đại học chất lượng quốc tế của Australia.
Chương trình do Viện ISB - Đại học Kinh tế TP HCM (UEH), Cơ quan Thương mại và Đầu tư chính phủ Australia (Austrade) và báo điện tử VnExpress tổ chức, tiếp nối mùa 7 - "Shine with Australia" của Austrade trên IFO Show, VTV7.
Sự kiện quy tụ hơn 20 diễn giả là các chuyên gia giáo dục hàng đầu, đại diện bang và vùng lãnh thổ của Australia cũng như nhiều du học sinh Việt du học thành công.
Chuỗi tọa đàm cũng giới thiệu Global Pathways, mô hình du học chuyển tiếp và nhận bằng từ các đại học Top 1% thế giới của Australia như Đại học Macquarie, Monash, Western Sydney, Wollongong, Griffith, South Australia,... cùng nhiều học bổng giá trị.
Độc giả đăng ký tham gia tại đây.