Đối phó với Omicron: Bỏ cách ly tập trung là linh hoạt hay liều lĩnh?

Trước đề xuất của Bộ GTVT và "phản ứng nhanh" của Hà Nội về việc không cách ly tập trung người nhập cảnh từ nước có Omicron, các chuyên gia đánh giá chúng ta đang "rất linh hoạt" trước biến chủng mới.
Đối phó với Omicron: Bỏ cách ly tập trung là linh hoạt hay liều lĩnh? - 1

Nhân viên y tế kiểm tra phiếu khai báo y tế của hành khách trước khi làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Ảnh: Dương Ngọc).

Vừa qua, UBND TP Hà Nội yêu cầu, đối với chuyến bay xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron, bắt buộc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này bất kể tiền sử đã tiêm vaccine hoặc đã mắc Covid-19 trước đó.

Tuy nhiên, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng đối với việc nối lại các chuyến bay thương mại thường lệ quốc tế là phải dỡ bỏ quy định cách ly tập trung đối với hành khách nhập cảnh. Vì vậy, quy định bắt buộc cách ly tập trung như trên sẽ là rào cản kỹ thuật làm cho việc thực hiện các chuyến bay thường lệ quốc tế không khả thi.

"Phản ứng nhanh" trước đề xuất này, ngày 30/12, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội đã quyết định hủy bỏ văn bản yêu cầu cách ly tập trung với đối tượng nhập cảnh nói trên.

Bỏ cách ly tập trung không phải là "thỏa hiệp" với dịch

Nêu quan điểm về diễn biến này, trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng Lao động, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho rằng chúng ta cần phải "rất linh hoạt", tránh gây khó khăn trong việc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh. Ông Nguyễn Anh Trí nhận định, thời điểm này, dù quyết định cách ly tập trung hay không cách ly với người nhập cảnh, đều có lý do chính đáng.

Chuyên gia lý giải, hiện nay Việt Nam mới chỉ ghi nhận một ca nhiễm biến chủng Omicron và Hà Nội đang thực hiện tốt việc cách ly, nghiên cứu loại biến chủng mới này nhằm làm chậm lại quá trình lây lan, bùng phát dịch. Chính vì vậy, trước đó Hà Nội có căn cứ để yêu cầu bắt buộc cách ly tập trung đối với người trên các chuyến bay xuất phát, hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Đối phó với Omicron: Bỏ cách ly tập trung là linh hoạt hay liều lĩnh? - 2

GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho rằng, chúng ta cần phải "rất linh hoạt" trong việc cách ly đối với người nhập cảnh (Ảnh: Mạnh Quân).

"Ngược lại, Bộ GTVT muốn mở cửa thì cứ mở cửa theo chủ trương của Thủ tướng cho phép. Chúng ta không nên lăn tăn về biến chủng mới làm gì cả. Chúng chấp nhận mở cửa hàng không, không phải là sự đầu hàng hay thỏa hiệp với loại biến chủng mới, mà Việt Nam nên chuẩn bị một tâm thế tốt để ứng phó với dịch. Bởi vì Omicron là biến chủng đang lây lan khắp thế giới, không sớm thì muộn biến chủng này cũng sẽ xuất hiện nhiều ở nước ta", chuyên gia nhận định.

GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng, tất cả mọi người từ người dân đến lãnh đạo Bộ GTVT hay thành phố Hà Nội nên chuẩn bị một "tâm thế mới", đó là biến chủng Omicron sẽ lan tràn khắp nơi và hãy coi đây là việc "bình thường". Tuy nhiên "bình thường" ở đây không phải là sự chủ quan, mà việc tiếp nhận và chuẩn bị những phương án mới, trong bối cảnh dịch mới để chống dịch hiệu quả hơn.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, hiện nay biến chủng Omicron là loại biến chủng mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc chữa trị và kiểm soát đối với loại biến chủng này, Hà Nội lại là thành phố lớn, giao lưu, hoạt động mạnh. Vì vậy, việc thành phố lo lắng là có lý do.

Đối phó với Omicron: Bỏ cách ly tập trung là linh hoạt hay liều lĩnh? - 3

Việt Nam vừa ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên là hành khách bay từ Anh về Việt Nam trên chuyến bay ngày 19/12 (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng chúng ta cũng không nên đóng cửa hàng không quá lâu vì việc này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc giao thương và phát triển kinh tế.

"Chúng ta nên mở cửa trở lại một cách từ từ, có kiểm soát. Tức là đối với những trường hợp nhập cảnh từ nơi có chủng Omicron, chúng ta phải giám sát kỹ, nhưng không nên cách ly họ quá lâu. Những trường hợp nào dương tính thì phải cho giải trình tự gen một cách cẩn trọng, để xác định xem có phải biến chủng mới hay không. Chúng ta cần nâng cao hệ thống giám sát dịch tễ với những người nhập cảnh và không nên đóng cửa hàng không", chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Khó khăn trong việc phát hiện ca bệnh 

GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng, hiện nay chúng ta chưa tìm ra được bộ kit test (bộ xét nghiệm sinh phẩm) để phát hiện ra biến chủng mới Omicron, nên việc phát hiện các ca bệnh còn gặp nhiều khó khăn.

Đối phó với Omicron: Bỏ cách ly tập trung là linh hoạt hay liều lĩnh? - 4

GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng, chúng ta cần sớm tìm mua bộ kit test phát hiện biến chủng Omicron để phục vụ việc phát hiện các ca bệnh biến chủng mới và kiểm soát dịch hiệu quả hơn (Ảnh: Mạnh Quân).

Cũng như các nước trên thế giới, ở Việt Nam để phát hiện ra biến chủng mới Omicron thì phải tiến hành giải trình tự gen, mà việc này sẽ rất tốn kém và phức tạp so với test PCR. Ngoài ra việc giải trình tự gen không thể gộp nhiều người như xét nghiệm gộp mẫu chung thông thường.

Theo chuyên gia, khi số lượng người mắc biến chủng mới Omicron tăng cao thì việc giải trình tự gen để phát hiện các ca bệnh là bất khả kháng. Chính vì vậy, việc cần làm lúc này là cần tìm ra bộ xét nghiệm sinh phẩm, hoặc tìm mua bộ kit test có thể phát hiện ra biến chủng mới Omicron.

Chuyên gia lấy ví dụ như Hàn Quốc, hiện nay họ đã thông báo tìm ra bộ kit test này, chúng ta có thể tìm mua về để phục vụ việc phát hiện các ca bệnh biến chủng mới và kiểm soát dịch hiệu quả hơn.

"Bỏ cách ly, biến chủng mới lây lan ai chịu trách nhiệm?"

Trước đề xuất của Bộ GTVT về việc dỡ bỏ quy định cách ly tập trung đối với hành khách nhập cảnh cũng như phản ứng bất ngờ từ phía Hà Nội, bạn đọc Trần Anh Tuấn đồng tình: "Để mở đường bay quốc tế như yêu cầu của Chính phủ thì không thể áp dụng cách ly tập trung đối với hành khách nhập cảnh từ nước có chủng Omicron, vì biến chủng này đã lan ra rất nhiều nước trên thế giới, từ các nước có quan hệ kinh tế, chính trị với Việt Nam. Việc cách ly tập trung chỉ gây khó cho thực hiện các chính sách của Chính phủ".

Trái ngược với ý kiến này, bạn đọc Tuanvu nêu quan điểm: "Nếu không cách ly cách trường hợp nhập cảnh trên, nếu để xảy ra lây nhiễm Omicrom từ những người nhập cảnh này thì ai chịu trách nhiệm? Những thiệt hại về kinh tế, xã hội ai chịu trách nhiệm?".

Đồng tình với bạn đọc Tuanvu, bạn đọc Haiksxd cho rằng: "Nếu không cách ly các trường hợp nhập cảnh thì khi dịch bùng phát dữ dội, liệu có cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm được không? Hay lại xin rút kinh nghiệm? Tốt nhất thời điểm này nên cân nhắc giữa được và mất, giữa lợi và hại rồi hãy quyết định".

Bạn đọc Thường chia sẻ: "Hà Nội đang căng mình chống đỡ biến chủng Delta, việc cách ly tập trung những người nhập cảnh là đúng như trường hợp ca mắc chủng mới đầu tiên, nếu không kịp cách ly thì giờ hậu quả thế nào?".

Còn bạn đọc Khanghan nhận định: "Sau mở cửa hàng không, du lịch quốc tế, Covid-19 chắc chắn sẽ bùng nổ tại Việt Nam. Cứu được ngành du lịch, hàng không, nhưng giá phải trả cho tính mạng con người và chi phí y tế là quá đắt.

Trao đổi với Dân trí sáng 30/12, một lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho hay, Hà Nội đã lấy 22 mẫu bệnh phẩm của các F0 ở khu vực nguy cơ cao để chủ động giám sát, phát hiện sớm biến thể Omicron.

"Hà Nội đã gửi 22 mẫu bệnh phẩm đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để giải trình tự gen nhằm chủ động phát hiện sớm. Hiện các mẫu đã có kết quả đều là chủng Delta, chưa ghi nhận biến thể Omicron", vị này thông tin.

Trần Thanh