Đề xuất cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ để bán hàng đa cấp

Theo Bộ Công Thương, cách thức đưa thông tin này được lạm dụng khiến người bệnh, người tiêu dùng dễ hiểu theo hướng là các loại sản phẩm này có công dụng để chữa bệnh.

Bộ Công Thương cho biết đã trình Chính phủ xem xét thông qua dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo đó, Bộ đề nghị bổ sung quy định đối với trường hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp theo hình thức trực tuyến, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải thông báo đến sở công thương địa phương hoặc nơi doanh nghiệp có trụ sở chính.

Đáng chú ý Bộ đề nghị bổ sung quy định cấm doanh nghiệp và người bán hàng đa cấp trong việc cung cấp các thông tin về hàng hóa trong bán hàng đa cấp đặc biệt đối với sản phẩm là thực phẩm theo hình thức "cung cấp thông tin" về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế; thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh.

Các doanh nghiệp và cá nhân cũng không được cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh. Trong trường hợp vi phạm, ngoài việc bị xử phạt hành chính, doanh nghiệp bán hàng đa cấp còn bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

cam dung hinh anh bac si ban hang da cap anh 1

Một lọ thuốc sau khi được gia công tem mác dán lọ chỉ có giá 35.000 đồng nhưng bán ra thị trường giá lên đến 400.000 đồng. Ảnh: L.D.

Thời gian qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) nhận thấy thực trạng đưa thông tin theo hướng "thổi phồng" công dụng sản phẩm, đặc biệt đối với loại sản phẩm là thực phẩm trong hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra khá phổ biến.

Cụ thể, các tổ chức, cá nhân này thành lập các nhóm kín trực tuyến như "tư vấn sức khỏe", "chăm sóc sức khỏe chủ động" hay "nhân chứng dùng sản phẩm", tập hợp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tham gia.

Trong đó, các đối tượng này chia sẻ, trao đổi những thông tin, video clip có sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để mô tả, tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thực phẩm, hoặc mô tả công dụng thực phẩm như là một "kinh nghiệm thực tế" hay "nhân chứng sống" của người đã từng bị bệnh.

Cách thức đưa thông tin này được lạm dụng và củng cố bởi các bình luận phía dưới, càng tạo thêm niềm tin cho người bệnh, người tiêu dùng dễ hiểu theo hướng là các loại sản phẩm này có công dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều trị bệnh.

"Hành vi dạng này sẽ gây tác động tới số lượng người tham gia lớn vì thông tin làn truyền trên môi trường mạng diễn ra rất nhanh và gây hậu quả nghiêm trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người", Bộ Công Thương đánh giá.

Bán thuốc đông y giả thu về 200 triệu đồng/ngày

Các đối tượng mua nguyên liệu được bào chế sẵn trôi nổi ngoài thị trường, thuê người in bao bì, nhãn mác, đóng gói các sản phẩm, tổ chức quảng cáo bán hàng qua mạng xã hội.