Đập phá mồ mả người khác có thể bị xử lý ra sao?

Luật sư cho rằng trường hợp xác định vụ việc có dấu hiệu hình sự, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt với mức án tối đa 7 năm tù.

Ngày 23/2, ông N.N.T. (85 tuổi) qua đời và được gia đình đưa đi hỏa táng, làm lễ tang một ngày sau đó.

Phần tro cốt của ông T. được xây mộ, đặt ở nghĩa trang tại địa phương. Vài ngày sau, gia đình ông qua kiểm tra thì phát hiện phần mộ trên bị đập phá.

Đến ngày 14/3, mộ của ông T. tiếp tục bị đào bới, phá hoại. Gia đình người đã khuất sau đó trình báo cơ quan chức năng.

Với hành vi đập phá mộ của người khác, người vi phạm có thể bị xử lý ra sao?

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội

Mồ mả là nơi chôn cất thi thể, hài cốt hoặc tro cốt của người đã khuất. Hành vi đào bới, làm hư hỏng mộ phần không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại với đạo đức, tập quán truyền thống lâu đời của cộng đồng.

Cơ quan điều tra cần nhanh chóng xác minh, làm rõ động cơ, mục đích, phương thức thực hiện hành vi này. Đây là căn cứ xác định có hay không yếu tố hình sự xảy ra trong vụ việc này.

Dap pha mo ma anh 1

Công an khám nghiệm hiện trường ngôi mộ bị đập phá. Ảnh: H.Đ.

Trường hợp xác định vụ việc có dấu hiệu hình sự, cơ quan công an có thể khởi tố vụ án Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra, xác định người phạm tội.

Theo Điều 319, người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Trường hợp hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hộ; chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa; được thực hiện vì động cơ đê hèn hoặc nhằm mục đích chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt, người phạm tội sẽ bị áp dụng khung hình phạt 2-7 năm tù.

Trong văn hoá, phong tục của người Việt, mồ mả là chốn linh thiêng, đề cao giá trị văn hoá và đạo đức con người. Phong tục tín ngưỡng này răn dạy chúng ta biết nhớ về nguồn cội, thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Vì vậy, hành vi coi thường pháp luật, xâm phạm đến chốn tâm linh, nơi an nghỉ của người đã khuất cần bị xử lý thật nghiêm, thể hiện tính răn đe của pháp luật, giữ vững tình hình an ninh trật tự tại địa phương và mang lại sự tin tưởng, an tâm cho người dân.

Mộ cụ ông 85 tuổi bị đào bới, đập phá

Phần mộ của người đã khuất bị đập phá sau lễ an táng vài ngày. Đến ngày 14/3, mộ cụ ông tiếp tục bị đào bới, phá hoại.