Cựu giám đốc an ninh Kazakhstan có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc

Ông Karim Massimov bị nghi ngờ có liên quan đến thế lực nước ngoài được cho là đứng sau những kẻ khủng bố trong các vụ bạo động tuần qua ở Kazakhstan.

Ông Karim Massimov đã bị sa thải khỏi vị trí người đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc gia và bị bắt hôm 6/1 vì tình nghi phản quốc.

Chưa rõ thế lực nước ngoài này là ai, nhưng ông Massimov có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và là đồng minh thân cận của cựu Tổng thống Nazarbayev, người cũng được coi là thân Trung Quốc, South China Morning Post đưa tin ngày 12/1.

Ông Massimov bắt đầu làm cố vấn pháp lý cho một phái đoàn thương mại của Liên Xô tại Trung Quốc vào năm 1991. Sau khi Liên Xô sụp đổ, ông trở về Kazakhstan và lãnh đạo bộ phận kinh tế đối ngoại của Bộ Lao động. Ông được cử đến Urumqi, gần biên giới thuộc khu tự trị Tân Cương ở phía tây Trung Quốc, để đảm nhận chức vụ chuyên viên cao cấp tại một văn phòng thương mại Kazakhstan các năm 1992-1993.

Cuu giam doc an ninh Kazakhstan va Trung Quoc anh 1

Ông Karim Massimov. Ảnh: Reuters.

Massimov trước đó đã học tiếng Trung tại Đại học Văn hóa và Ngôn ngữ Bắc Kinh, và học luật quốc tế tại Đại học Vũ Hán.

Ông tiếp tục lãnh đạo các dự án ngân hàng và cơ sở hạ tầng trong những năm 1990, giám sát thương mại Kazakhstan ở Hong Kong và sau đó là văn phòng mới của Ngân hàng Halyk tại Bắc Kinh.

Vào thời điểm đó, ông gọi việc mở văn phòng là “bằng chứng về mối quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ hơn giữa Kazakhstan và Trung Quốc”, theo một bài báo năm 1999 của Tân Hoa xã.

Massimov được thăng chức Bộ trưởng Giao thông và Truyền thông của Kazakhstan năm 2000. Trong thời gian này, ông đề xuất với Nga và Trung Quốc xây dựng một tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa nối Liên Vân Cảng ở phía đông Trung Quốc với Minsk ở Belarus và các cảng phía tây châu Âu, đi qua Kazakhstan.

Ông nhanh chóng thăng cấp, trở thành phó thủ tướng từ năm 2001 đến năm 2003, sau đó nắm giữ chức vụ này lần nữa vào năm 2006.

Massimov đã thúc đẩy Kazakhstan trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới bằng cách “phối hợp chặt chẽ” quan hệ với Trung Quốc. Các dự án cơ sở hạ tầng lớn như đường ống xuyên quốc gia và khu thương mại tự do đã được thảo luận với Bắc Kinh trong thời gian ông làm phó thủ tướng.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh để đàm phán về việc tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước, Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Chu Dung Cơ đã nói với Massimov rằng: “Chúng ta là bạn".

Cuu giam doc an ninh Kazakhstan va Trung Quoc anh 2

Ông Karim Massimov (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gặp gỡ tại Bắc Kinh ngày 14/12/2015. Ảnh: Reuters.

Mối liên hệ với Trung Quốc của Massimov trở nên mạnh mẽ hơn khi ông trở thành thủ tướng Kazakhstan hai lần - giai đoạn 2007-2012 và 2014-2016.

Trong nhiều chuyến thăm Trung Quốc, ông đã ký thỏa thuận bao gồm các lĩnh vực hợp tác từ tài chính đến nông nghiệp và quyền lực.

Ông Massimov cũng đã bảo vệ Bắc Kinh trước lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của họ trong khu vực có thể đe dọa nền độc lập của Kazakhstan, nói rằng quốc gia giàu dầu mỏ này có thể cân bằng lợi ích giữa Trung Quốc và Nga.

Gần đây hơn, Kazakhstan đã trở thành một phần quan trọng của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc, một kế hoạch cơ sở hạ tầng và thương mại rộng lớn. Kazakhstan vào năm 2014 đã khởi động chương trình riêng của họ nhằm nâng cấp hệ thống đường sắt và đường bộ. Massimov đã quảng bá chương trình đó như một sự bổ sung cho Sáng kiến Vành đai và Con đường,

Chuyến đi đến Trung Quốc năm 2015 của ông đã kết thúc với các thỏa thuận trị giá hơn 23,6 tỷ USD.

Tại sao Trung Quốc 'đứng ngồi không yên' trước tình hình Kazakhstan?

Với ý nghĩa địa chính trị và kinh tế quan trọng của Kazakhstan, chuyên gia nhận định rằng "mất đi tầm ảnh hưởng ở nước này có thể khiến sáng kiến BRI của Trung Quốc thất bại".

Cuộc 'chuyển giao quyền lực' đằng sau khủng hoảng Kazakhstan

Bất ổn nhiều ngày qua phơi bày phần nào căng thẳng chính trị âm ỉ trong lòng Kazakhstan: Làm sụp đổ di sản của ông Nazarbayev và tạo cơ hội nắm thực quyền cho Tổng thống Tokayev.