Cơ chế đột phá khi triển khai cao tốc Bắc - Nam

Đặt thời hạn khởi công dự án, quy trách nhiệm lãnh đạo địa phương, Thủ tướng trực tiếp nắm danh sách chỉ định thầu… là những cơ chế mở đường cho việc đẩy nhanh tiến độ.

3 năm trước, khi Bộ GTVT kêu gọi đầu tư BOT với 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020, mốc khởi công các đoạn cao tốc chỉ được "áng chừng". Chính phủ và Bộ GTVT không thể ép tiến độ khi mà dự án không tìm nổi nhà đầu tư đủ năng lực.

Khi triển khai 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 theo phương thức đầu tư công, câu chuyện đã khác. Chính phủ được chủ động về nguồn vốn và ấn định hạn chót (deadline) cho từng phần việc cụ thể. Các ban quản lý dự án và địa phương không còn thời gian để chần chừ.

Áp tiến độ từng hạng mục

Sau khi ban hành nghị quyết triển khai đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, Chính phủ xây dựng quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và yêu cầu tiến độ triển khai dự án.

Trong dự thảo quy chế vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành, cụm từ "hoàn thành trước ngày..." được nhắc đến 16 lần để bộ, ngành, địa phương nắm được thời hạn chót cho từng hạng mục.

Cụ thể, Bộ GTVT phải tổ chức lập, thẩm định và quyết định phê duyệt 12 dự án thành phần trước ngày 30/6, đảm bảo khởi công trước ngày 31/12 và triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023.

Dự thảo đưa ra thời hạn cụ thể trong việc phối hợp. Đơn cử, trong vòng 10 ngày kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai dự án, chính quyền địa phương phải giao nhiệm vụ cho một tổ chức hoặc lập hội đồng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Mỗi địa phương chỉ có "1 năm 3 tháng 17 ngày" là tất cả thời gian để giải phóng 100% mặt bằng dự án, không phân biệt số km mà tuyến cao tốc đi qua. Trong đó, địa phương phải bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 20/11 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.

Điểm thuận lợi nhất khi triển khai 12 dự án cao tốc Bắc Nam (2021-2025) là Quốc hội chấp thuận phương án đầu tư công 100%, bỏ qua bước tìm kiếm nhà đầu tư BOT. Đây được coi là quyết định quan trọng, giúp cho lộ trình chuẩn bị đầu tư trở nên rõ ràng, không còn những biến số bất trắc như giai đoạn 2017-2020.

Luật chơi rõ ràng, phân vai cụ thể

Một trong những việc đầu tiên của Chính phủ sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc - Nam là xúc tiến thành lập riêng một Ban chỉ đạo Nhà nước để triển khai.

Đồ họa: Hà Đăng - Ngọc Tân.

Vị trí Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước dự kiến được giao cho Phó thủ tướng Lê Văn Thành. Thành viên của ban sẽ gồm bộ trưởng của các bộ liên quan.

Để công tác chỉ đạo giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nguyên vật liệu ở địa phương được thuận lợi, Bộ GTVT đề xuất chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có dự án đi qua phải tham gia Ban chỉ đạo. Lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, lãnh đạo ban Đảng Trung ương và Mặt trận Tổ quốc đồng thời được mời tham gia để tăng vai trò giám sát.

Việc thành lập một ban chuyên trách do lãnh đạo Chính phủ đứng đầu để đôn đốc toàn bộ công tác đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam là cách làm mới, hứa hẹn đẩy nhanh tháo gỡ vấn đề phát sinh trong thực hiện, đặc biệt những vấn đề có tính liên bộ hoặc giữa bộ, ngành và địa phương.

Dự thảo Quy chế phối hợp và kế hoạch thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam nêu rõ: "Những vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem xét, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định".

Để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị thi công, Chính phủ cũng mở ra cơ chế cho phép chỉ định thầu với tất cả dự án.

Cụ thể, Bộ trưởng GTVT sẽ có thẩm quyền chỉ định thầu trong hai năm 2022-2023 với các gói thầu tư vấn dự án, di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Thủ tướng sẽ quyết định chỉ định thầu trong hai năm 2022-2023 với gói thầu xây lắp dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu.

Đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 có chiều dài 729 km trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án có thể vận hành khai thác độc lập.

Tổng mức đầu tư của dự án gần 147.000 tỷ đồng và được triển khai theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước.

Cuộc đua giành suất chỉ định thầu tại dự án cao tốc Bắc - Nam

Các nhà thầu xây lắp tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội nhận gói thầu nghìn tỷ khi Chính phủ quyết định triển khai 12 dự án cao tốc Bắc - Nam bằng vốn đầu tư công.

Hình dáng 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025

Từ nay đến năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu nối liền mạch cao tốc Bắc - Nam qua những địa phương chưa được đầu tư như Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau...

Chính phủ cho phép chỉ định thầu để làm tuyến cao tốc Bắc - Nam

Cùng với việc cho phép chỉ định nhiều gói thầu và áp dụng một số cơ chế đặc thù để triển khai tuyến cao tốc Bắc - Nam, Chính phủ yêu cầu dự án cơ bản phải được hoàn thành năm 2025.