Chuyên gia: TP HCM nên mạnh dạn mở cửa, phục hồi kinh tế

Từng bị Covid-19 bùng phát, khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng tốt hơn Singapore, TP HCM cần mạnh dạn lập kế hoạch phục hồi kinh tế, theo TS Đỗ Văn Dũng.

Ý kiến trên được PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y Dược TP HCM nói tại Hội thảo khoa học Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025 do Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi chủ trì, sáng 16/10.

Theo ông Dũng, với tỷ lệ gần 100% người dân trên 18 tuổi được tiêm ngừa và 72% người dân trong độ tuổi này tiêm đủ 2 mũi, TP HCM đạt được miễn dịch cộng đồng một phần. Nghĩa là những người đã tiêm vaccine sẽ được bảo vệ, những người chưa tiêm vaccine cũng được bảo vệ một phần do giảm nguy cơ bị lây nhiễm từ người xung quanh, mà đa số những người này đã chích ngừa.

TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y Dược TP HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM

TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y Dược TP HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM

"Điều này làm giảm tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và góp phần giảm số ca mắc mới. Tuy nhiên, do miễn dịch cộng đồng này là không hoàn toàn nên dịch vẫn còn có khả năng gia tăng", ông Dũng nói và cho rằng với biến chủng Delta có chỉ số lây nhiễm R0 là 7 hay 8, các vaccine hiện nay sẽ không thể nào đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng.

Đặt vấn đề "nếu số ca mắc tăng, nguy cơ phải phong tỏa thêm lần nữa hay không", ông Dũng dẫn kinh nghiệm Singapore ở thời điểm hiện tại là một cảnh báo cho thành phố về khả năng tăng số ca nhiễm và phải dừng lại việc nới lỏng các quy định giãn cách xã hội dù tỷ lệ tiêm chủng của quốc gia này đã đạt 85%. "Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ", ông Dũng nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng hoàn cảnh của Singapore khác với TP HCM. Do thực hiện chiến lược "zero Covid" rất thành công nên miễn dịch cộng đồng của đảo quốc này có được chủ yếu từ việc tiêm chủng mà không có miễn dịch do các ca bệnh lưu hành. Vì miễn dịch chỉ từ vaccine là không đủ nên số ca mắc sẽ tăng nhanh khi thực hiện nới lỏng. Một số quốc gia thực hiện tốt chính sách "zero Covid" như Singapore cũng gặp khó khăn tương tự khi nới lỏng.

"Các quốc gia châu Âu hay TP HCM, từng bị dịch lưu hành nên sẽ có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng tốt hơn. Khi nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế, số ca mắc trên địa bàn sẽ gia tăng nhưng không tăng nhanh như Singapore", ông Dũng nhận định và cho rằng thành phố cần mạnh dạn lập kế hoạch thực hiện các bước phục hồi kinh tế.

Chuyên gia này đề nghị chính quyền thành phố tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện 5K; tuân thủ các quy định phòng chống dịch tại các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp, xây dựng chiến lược xét nghiệm phát hiện ca bệnh có hiệu quả; cho phép doanh nghiệp tự chủ triển khai các hoạt động phòng chống dịch; chấp nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng miễn là tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát...

Theo TS Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright), vấn đề các nước có độ phủ vaccine mũi 2 cao phải đối mặt là khi mở cửa tỷ lệ lây nhiễm tăng trở lại. Tuy nhiên, vaccine sẽ khiến tỷ lệ người nhiễm chuyển nặng và tử vong được kiểm soát ở mức thấp. Vì vậy, các nền kinh tế đã mở cửa đều thực hiện chính sách không tái giãn cách xã hội trên diện rộng, ngay cả khi số ca nhiễm bùng phát.

Về lộ trình mở cửa trong năm 2022, TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng TP HCM phải là nơi đi đầu trong mở cửa. Kinh nghiệm quốc tế, những nơi không may mắn bị dịch tác động, đã trải qua điều tệ nhất sẽ trở thành nơi đầu tiên mở cửa phục hồi.

"Thay vì Quãng Ngãi, Khánh Hòa hay Đà Nẵng thì TP HCM có thể mở cửa trước, cùng với yếu tố là nơi đầu tiên tiêm phủ vaccine, tác động phục hồi đối với du lịch, khách sạn và nhà hàng sẽ có tác động lớn nhất cho sự phục hồi kinh tế của thành phố", ông Thành nói.

Đường sách TP HCM (quận 1) ngày đầu hoạt động sau hơn 4 tháng đóng cửa, ngày 9/10. Ảnh: Quỳnh Trần

Đường sách TP HCM (quận 1) ngày đầu hoạt động sau hơn 4 tháng đóng cửa, ngày 9/10. Ảnh: Quỳnh Trần

Trong khi đó, góp ý việc hỗ trợ doanh nghiệp, TS Trần Du Lịch cho rằng hành chính công và quản trị công là nhóm giải pháp ít tốn kém nhất, nhưng hiệu quả nhất để giúp doanh nghiệp tự phục hồi. Các biện pháp trước mắt là triển khai hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ, mở rộng hoạt động kinh tế để doanh nghiệp, người dân tự tổ chức lại sản xuất với động lực tự nhiên của "lò xo bị nén".

Chuyên gia này cũng cho rằng, thành phố cần chủ động trao đổi với các địa phương để khai thông hệ thống vận tải, chấm dứt tình trạng chia cắt theo ranh giới hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất thành phố phối hợp doanh nghiệp hỗ trợ đưa lao động ở địa phương trở về làm việc.

Ông Lịch cũng đề nghị thành phố phố có các giải pháp hỗ trợ tài chính tín dụng cho doanh nghiệp và gói hỗ trợ an sinh xã hội mức cao hơn mặt bằng chung cả nước vì TP HCM chịu tác động tiêu cực lớn nhất của đại dịch và là nơi giãn cách xã hội nghiêm ngặt lâu nhất.

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nói rằng thành phố chưa bao giờ gặp khó khăn như đợt dịch vừa qua. Hiện, tình hình đã được cải thiện, thành phố cơ bản kiểm soát được dịch dù diễn biến còn phức tạp, cần nỗ lực nhiều hơn để có kết quả bền vững.

Tuy nhiên, thành phố vừa cần phải phòng chống dịch hiệu quả, vừa phải tính toán, có lộ trình để phục hồi kinh tế - xã hội. Hai việc này cần phải tiến hành song song là rất khó nên UBND thành phố đã giao Viện Nghiên cứu phát triển tổ chức hội thảo để lắng nghe và xin tiếp thu ý kiến, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học hoàn thiện kế hoạch phục hồi kinh tế từ nay đến 2025.

"Tinh thần rất khẩn trương, cố gắng trong tháng 10, thành phố xong dự thảo chương trình để trình Ban Thường vụ Thành ủy, báo cáo HĐND thành phố vào kỳ họp cuối năm", ông Mãi nói.

Hữu Công