Chuyên gia Mỹ: Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc nổi lên ở eo biển Đài Loan

Một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc mới đây đã bất ngờ nổi lên ở khu vực eo biển Đài Loan, theo một nhà bình luận quân sự của Mỹ.
Chuyên gia Mỹ: Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc nổi lên ở eo biển Đài Loan - 1

Ảnh vệ tinh được Sentinel-2 chụp lại cho thấy tàu ngầm Type 094 của Trung Quốc nổi lên ở eo biển Đài Loan (Ảnh: H.I. Sutton/Twitter).

Báo South China Morning Post ngày đưa tin, ông H.I. Sutton, một nhà bình luận của Viện Hải quân Mỹ, ngày 30/11 đã đăng tải một ảnh vệ tinh được chụp bởi vệ tinh Sentinel-2 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho thấy, khoảng 10h sáng ngày 29/11, một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc xuất hiện ở eo biển Đài Loan cùng với một con tàu khác.

"Mặc dù ảnh chụp vệ tinh Sentinel-2 có độ phân giải kém, nhưng phần nhô lên mặt nước cho thấy một tàu ngầm có phần đầu điển hình. Chiều dài của nó phù hợp với mẫu Type 094 và bối cảnh cũng phù hợp", ông Sutton bình luận trên trang cá nhân.

Ông cho biết, tàu ngầm này di chuyển từ căn cứ Du Lâm của Trung Quốc ở bờ biển phía nam tỉnh Hải Nam. Theo ông Sutton, đây dường như đây là một chuyến đi thường lệ, nhấn mạnh rằng các tàu ngầm của Trung Quốc sẽ di chuyển về phía bắc đến xưởng tàu ở biển Bột Hải để "sửa chữa và bảo dưỡng".

Trong khi đó, các chuyên gia quân sự cho rằng, việc một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo nổi lên mặt nước là khá bất thường, đặc biệt với một tàu hiện đại như Type 094. Tàu ngầm lớp Jin này có thể mang các tên lửa đạn đạo JL-2 có tầm bắn khoảng 7.000 km. Phiên bản mới nhất của tàu ngầm này là Type 094A được Trung Quốc đưa vào biên chế hồi tháng 4 năm nay. Tàu ngầm này được cho là có thể mang tên lửa đạn đạo JL-3 có tầm bắn lên tới 10.000 km.

"Nổi lên trên mặt không có ý nghĩa gì trừ khi quân đội Trung Quốc cố ý để người ta nhìn thấy", Antony Wong Tong, một chuyên gia quân sự ở Macao, nhận định.
Lu Li-shih, cựu giảng viên tại Học viện hải quân Đài Loan ở Cao Hùng, cũng cho rằng việc một tàu ngầm hạt nhân chiến lược nổi lên trên mặt nước khá bất thường trong bối cảnh máy bay và vệ tinh của Mỹ hoạt động trong khu vực. "Có thể Type 094 đã gặp sự cố nào đó buộc nó phải nổi lên trên mặt nước vì lý do an toàn", ông Lu nói.

Hồi tháng 10, tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut của Hải quân Mỹ cũng phải nổi lên mặt nước suốt một tuần để di chuyển về căn cứ hải quân ở đảo Guam sau khi bị hư hại do va chạm với núi ngầm ở Biển Đông.

Zhou Chenming, một nhà nghiên cứu tại Viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang, cho biết eo biển Đài Loan có địa hình đáy biển và hoạt động địa chất khá phức tạp đối với tàu ngầm. Theo chuyên gia này, tàu ngầm Trung Quốc có thể lựa chọn tuyến đường di chuyển khác nhưng di chuyển qua eo biển Đài Loan sẽ tiết kiệm thời gian hơn.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh tình hình eo biển Đài Loan có xu hướng leo thang căng thẳng gần đây khi Mỹ có những dấu hiệu xích quan hệ gần gũi với đảo Đài Loan như chuyến thăm của các nghị sĩ Mỹ đến hòn đảo gần đây.

Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và tuyên bố sẵn sàng thống nhất bằng mọi giá, kể cả vũ lực.

Minh Phương
Theo SCMP