Chuyên gia kiến nghị TP HCM nên mạnh dạn mở cửa, phục hồi kinh tế

(NLĐO) - PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng - Trường ĐH Y dược TP HCM, cho rằng nên bớt khắt khe hơn trong các biện pháp chống dịch. TP HCM nên mạnh dạn mở cửa nhằm tranh thủ thời cơ và chấp nhận số ca Covid-19 tăng ở mức kiểm soát được

Sáng 16-10, UBND TP HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP HCM giai đoạn 2022 – 2025" với sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi.

Ba vấn đề phục hồi kinh tế

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Văn Mãi cho biết TP HCM đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh dù diễn biến vẫn chưa hết phức tạp.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM, quá trình phục hồi kinh tế của thành phố tập trung vào 3 vấn đề. Thứ nhất, đánh giá và nhận diện xu hướng, diễn biến dịch; tác động tích cực, tiêu cực đến kinh tế thế giới và cả nước, đặc biệt là TP HCM.

Chuyên gia kiến nghị TP HCM nên mạnh dạn mở cửa, phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc hội thảo

Thứ hai, tính toán để giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế của TP HCM với cả nước; đồng thời giữ vị trí của TP HCM trong mối tương quan với các thành phố trong khu vực và thế giới.

Thứ ba, TP HCM làm thế nào để tiếp tục thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ thành phố đã đặt ra; hoặc điều chỉnh để tận dụng, phát huy thời cơ mới, động lực mới trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch UBND TP HCM mong muốn lắng nghe góp ý về các vấn đề cụ thể của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để thành phố sớm khôi phục kinh tế.

Chấp nhận sống chung an toàn với dịch

Là người góp ý đầu tiên tại hội thảo, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng - Trường Đại học Y dược TP HCM, cho rằng thành phố nên mạnh dạn mở cửa nhằm tranh thủ thời cơ và chấp nhận số ca Covid-19 tăng ở mức kiểm soát được, đánh giá mức độ miễn dịch ở người lớn tuổi để có thể thực hiện mũi tiêm tăng cường khi cần thiết.

Ông Đỗ Văn Dũng phân tích với tỉ lệ gần 100% người dân trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1 và 72% người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, thành phố đã đạt được miễn dịch cộng đồng một phần. Việc này giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và góp phần giảm số ca mắc mới.

Chuyên gia kiến nghị TP HCM nên mạnh dạn mở cửa, phục hồi kinh tế - Ảnh 2.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng - Trường Đại học Y dược TP HCM, cho rằng thành phố nên mạnh dạn mở cửa nhằm tranh thủ thời cơ

Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Dũng cảnh báo các nhà khoa học trên thế giới cho rằng với biến chủng Delta, các vắc-xin hiện nay không thể giúp đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng hoàn toàn.

"Điều này có nghĩa để tiếp tục kiềm chế dịch, chúng ta vẫn phải thực hiện nghiêm 5K; có quy định phòng chống dịch tại các cơ quan, tổ chức và phải có chiến lược xét nghiệm phát hiện ca bệnh, đồng thời xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ để ứng phó kịp thời" - ông Đỗ Văn Dũng nói và cho hay TP HCM chưa ở điều kiện bình thường mới vào thời điểm hiện tại.

Dẫn chứng từ Singapore, ông Đỗ Văn Dũng cho biết quốc gia này đạt tỉ lệ tiêm chủng 2 mũi vắc-xin là 85%. Tuy nhiên, khi nới lỏng giãn cách thì số ca mắc tăng lại, khiến Chính phủ Singapore phần nào e dè và trì hoãn việc mở cửa.

Theo ông Dũng, không chỉ Singapore mà các quốc gia thực hiện tốt chính sách Zero Covid trong quá khứ đều gặp khó khăn khi nới lỏng. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu hay TP HCM từng bị dịch bệnh hoành hành sẽ có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng tốt hơn.

Ông Đỗ Văn Dũng đưa ra quan điểm TP HCM cần mạnh dạn lập kế hoạch thực hiện các bước phục hồi kinh tế. Bởi TP HCM khi nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế, số ca mắc có thể gia tăng nhưng không nhanh như Singapore.

Lý giải sự phát tán của SARS-CoV-2 trong không khí khi xâm nhập người đã có miễn dịch sẽ giúp củng cố hiệu lực của vắc-xin, ông Dũng cho rằng cơ chế này sẽ làm tăng cường miễn dịch cộng đồng. Như vậy, sống chung an toàn với Covid-19 sẽ tăng cường thêm miễn dịch cộng đồng.

Từ lập luận đó, ông Dũng đề nghị bớt khắt khe hơn trong các biện pháp chống dịch, thay thế biện pháp cực đoan bằng biện pháp kinh tế để có hiệu quả cao hơn. "TP HCM có thể chấp nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng, miễn là tình hình dịch bệnh trong tầm kiểm soát" - ông Dũng đề xuất.

Chính sách hỗ trợ phải cao hơn cả nước

Trước khi hiến kế các giải pháp cho TP HCM, TS Trần Du Lịch nêu quan điểm việc phục hồi kinh tế của thành phố phải được nhìn nhận đây không chỉ là vấn đề của riêng TP HCM mà là vấn đề quốc gia. Bởi lẽ, nền kinh tế TP HCM ảnh hưởng đến cả nước.

Đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, khả thi để TP HCM có thể phục hồi, phát triển kinh tế, TS Trần Du Lịch nói rằng giải pháp đầu tiên phải là đẩy mạnh hành chính công và quản trị công. "Đây là nhóm giải pháp ít tốn kém nhất nhưng cực kỳ quan trọng và hiệu quả nhất để giúp doanh nghiệp tự phục hồi" - TS Trần Du Lịch nêu quan điểm.

Tiếp đó là triển khai hiệu quả Nghị quyết 128 và mở rộng hoạt động kinh tế để doanh nghiệp và người dân tự tổ chức lại sản xuất với động lực tự nhiên của "lò xo bị nén".

Chuyên gia kiến nghị TP HCM nên mạnh dạn mở cửa, phục hồi kinh tế - Ảnh 3.

Quang cảnh hội thảo sáng 16-10

Về giải pháp hỗ trợ tài chính tín dụng cho doanh nghiệp và gói hỗ trợ an sinh xã hội, TS Trần Du Lịch đề nghị mức cao hơn mặt bằng chung cả nước. Lý do là TP HCM chịu tác động tiêu cực lớn nhất của đại dịch và là nơi có thời gian chịu biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt lâu nhất.

Trong khi đó, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật TP HCM, cho rằng giải pháp giảm lãi suất dù có tác dụng kích thích tiêu dùng và đầu tư, được xem là công cụ giúp kích thích toàn diện nền kinh tế trong ngắn hạn nhưng ở Việt Nam, dư địa để giảm lãi suất huy động không còn nhiều.

Theo ông Khánh, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc song song với việc điều chỉnh thích hợp trần tăng trưởng tín dụng và chỉnh sửa một số vấn đề kỹ thuật trong quy định điều chỉnh kỳ hạn trả nợ của Thông tư 14/2021 để tạo thuận lợi hơn trong việc giảm lãi suất cho vay và tái cấu trúc nợ của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ Covid-19.

Thậm chí, gói hỗ trợ 2021 của Chính phủ có thể lên đến 250.000 tỉ đồng, tương ứng khoảng 4% GDP "là vô cùng cần thiết" - ông Khánh nêu quan điểm.

Bài: Phan Anh; Ảnh: HCM