Chứng khoán lao dốc, có nên đầu tư?

(PLO)- Trong giai đoạn thị trường chưa rõ xu hướng như hiện nay, nhà đầu tư nên giữ mức độ phòng thủ và phân bổ lại danh mục đầu tư.

Triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam (VN) từ thị trường cận biên lên mới nổi được các chuyên gia đánh giá ngày càng rõ nét, đem lại nhiều giá trị tiềm năng trong dài hạn. Thị trường chứng khoán VN đang có những điều chỉnh mạnh nhưng đó là sự cần thiết để tăng trưởng trở lại một cách bền vững và ổn định hơn.

Chứng khoán lao dốc, có nên đầu tư? ảnh 1
Chứng khoán lao dốc, có nên đầu tư? ảnh 2

Có thể kỳ vọng chứng khoán Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ một khi Fed nới lỏng việc tăng lãi suất. Ảnh minh họa: PHƯƠNG MINH

Cú lao dốc khiến nhà đầu tư hoang mang

Thị trường chứng khoán với những điều chỉnh giảm đã thể hiện ngày càng rõ nét. Số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân bắt đầu suy giảm, trong khi đây là nhân tố quan trọng đem lại sự tăng trưởng tích cực cho thị trường trong hai năm qua.

Các công ty chứng khoán đã đối diện với những khoản lỗ vì thị trường lao dốc. Thanh khoản ngày càng rời xa mốc 1 tỉ USD. Chỉ số VN-Index vẫn xoay quanh vùng 1.100 điểm.

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, cho biết trong thời gian qua, khi chỉ số VN-Index lao dốc thì nhiều cổ phiếu giảm giá rất mạnh. Theo thống kê, có trên 60% cổ phiếu đều bị giảm điểm, trong số này hơn một nửa giảm hơn 20% giá trị, khá nhiều cổ phiếu mất hơn 30%.

Thị trường giảm giá đến từ các yếu tố thông tin không tích cực như Mỹ vừa trải qua đợt lạm phát tăng cao, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) buộc phải có đợt tăng lãi suất rất mạnh trong nhiều năm trở lại đây. Hệ quả tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu, qua đó ảnh hưởng đến chứng khoán VN.

Đáng chú ý, hai năm vừa qua, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường rất lớn. Nếu năm 2020 có 2,7 triệu tài khoản thì năm 2021 tăng hơn 50% với 4,3 triệu tài khoản. Tính đến hết tháng 5-2022 là 5,1 triệu tài khoản, vượt qua con số mục tiêu số lượng tài khoản trên số dân vào năm 2025 là 5%.

Trong đó, số lượng tài khoản cá nhân rất nhiều và là đối tượng hoạt động tích cực trong hai năm gần đây, góp phần giúp thị trường tăng trưởng rất nhanh, bất chấp khối ngoại rút vốn mạnh trong năm 2021. Dù dịch bệnh nhưng thị trường vẫn tăng trưởng tốt.

“Tuy nhiên, cũng chính sự tham gia với số lượng đông đảo nhà đầu tư cá nhân đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý thị trường. Chính họ tạo ra các làn sóng bán tháo cổ phiếu bất chấp các yếu tố cơ bản của cổ phiếu, triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp hay nền kinh tế đang rất tốt” - ông Hiển nói.

Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc đầu tư, người điều hành Quỹ Đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường VN (VESAF), cũng cho rằng vấn đề bán tháo của thị trường nằm ở nguyên nhân nhà đầu tư cá nhân chiếm tỉ trọng rất lớn trong giao dịch, con số lên đến 90%. So với các nước trong khu vực như Đài Loan, nhà đầu tư cá nhân chỉ 50%-60%. Do đó, việc biến động thị trường có thể xảy ra ngay cả trong điều kiện bình thường chứ không nhất thiết có sự kiện tiêu cực.

“Ngoài ra, giai đoạn trước đây, thanh khoản tăng mạnh lên cả tỉ USD một phiên nhờ vào dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân, nguồn margin, nguồn vốn từ các công ty chứng khoán. Đến thời điểm này, thị trường đang trong giai đoạn thử thách nên giới đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân rất cân nhắc đưa dòng tiền vào thị trường. Trong khi đó, ngân hàng lại tung nhiều dịch vụ tài chính với lãi suất hấp dẫn cũng cạnh tranh dòng tiền với chứng khoán. Điều này khiến thị trường lao dốc” - bà Phương nhận định.

Nguyên tắc đầu tư lúc này là hãy chọn các mã cổ phiếu mang tính chất phòng thủ cao như điện, nước, bảo hiểm, khu công nghiệp, cũng như các cổ phiếu có câu chuyện kinh doanh hấp dẫn.

Cơ hội trong dài hạn

Thị trường chứng khoán mặc dù vẫn trong xu thế điều chỉnh nhưng tiềm năng tăng trưởng vẫn rất lớn trong trung và dài hạn.

Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, đánh giá Chính phủ đặt mục tiêu giữ tỉ lệ lạm phát trung bình của VN dưới 4% trong năm nay. Điều đó có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước VN sẽ không cần tăng lãi suất chính sách.

VN cũng thiết lập chính sách an toàn vĩ mô, kiểm soát cho vay tín dụng thiếu cẩn trọng của các ngân hàng thương mại trong nước và nỗ lực gia tăng mức dự trữ ngoại hối của quốc gia. Điều này đã cải thiện khả năng chống chịu của VN trước các cơn bão kinh tế toàn cầu.

Mặc dù chỉ số VN-Index có dấu hiệu suy giảm nhưng nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng vững mạnh, chủ yếu do tiêu dùng nội địa, chiếm 2/3 GDP của VN bùng nổ. Do đó, thị trường có đồng thuận rằng kỳ vọng EPS (thu nhập trên một cổ phiếu) của VN-Index sẽ tăng trưởng gần 20% trong năm nay.

“Có thể kỳ vọng chứng khoán VN sẽ phục hồi mạnh mẽ một khi Fed nới lỏng việc tăng lãi suất” - ông Michael Kokalari nói.

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, cũng có chung nhận định. Trong dài hạn, định giá thị trường chứng khoán VN vẫn đang rất hấp dẫn với mức PE (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu) vào khoảng 12-13 lần. Nếu so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines thì chỉ số này là 15-16 lần.

Với nền tảng vĩ mô tốt, các tổ chức quốc tế đưa ra dự báo đánh giá tăng trưởng GDP trên 6%, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết là 15% trong năm nay. Mặt bằng giá cổ phiếu thấp có thể thấy thị trường chứng khoán đang rẻ, khiến cơ hội đầu tư tốt hơn, đặc biệt là các khoản đầu tư trong trung và dài hạn.

Theo ông Hiển, đây là yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư. Thực tế, nhà đầu tư ngoại đã mua ròng hơn 270 triệu USD trong quý II-2022 và dòng tiền của các nhà đầu tư Thái Lan, Đài Loan đang đổ vào VN đã cho thấy sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán VN.

Bà Nguyễn Hoài Phương, người điều hành Quỹ VESAF, cho biết trong giai đoạn thị trường chưa rõ xu hướng hiện nay, các nhà đầu tư nên giữ mức độ phòng thủ và phân bổ lại danh mục đầu tư.

Đây cũng là thời điểm nhà đầu tư có thể bỏ dòng tiền vào các quỹ mở để kiếm lời tốt hơn, bởi các quỹ này có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp với khả năng đánh giá thị trường để đưa ra quyết định đầu tư tốt nhất.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường còn nhiều bất định thì nhà đầu tư nên thiết lập một danh mục đầu tư phòng ngừa rủi ro. Nguyên tắc đầu tư lúc này là hãy chọn các mã cổ phiếu mang tính chất phòng thủ cao như điện, nước, bảo hiểm, khu công nghiệp, cũng như các cổ phiếu có câu chuyện kinh doanh hấp dẫn.•

Chứng khoán lao dốc, có nên đầu tư? ảnh 3

TS QUÁCH MẠNH HÀO, giảng viên Trường ĐH Lincoln
(Vương quốc Anh):

Nên lựa chọn DN có kết quả kinh doanh cao

Giai đoạn vừa qua VN đã đón đầu câu chuyện lạm phát, các chính sách tiền tệ ngân hàng trung ương trên thế giới. Do đó, VN đã và đang hút tiền về. Điều này thể hiện qua việc từ giữa tháng 6, bằng các kênh tín phiếu, thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước đã hút dòng tiền mà theo tính toán của chúng tôi lên đến 170.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, việc rút tiền cũng đang ngấm vào thị trường. Do đó, chứng khoán VN đang có xu hướng đi ngang, thậm chí sẽ đi xuống nếu như tiếp tục có thông tin tiêu cực.

Đầu tư lúc này nên “đánh nhanh, thắng nhanh”, còn mua và nắm giữ lâu dài chưa phù hợp. Khi lựa chọn cổ phiếu thì đừng lựa chọn những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh cao đột biến, mà phải lựa chọn doanh nghiệp có kết quả kinh doanh cao đều. Những doanh nghiệp lúc lỗ, lúc lãi thì việc đầu tư khá rủi ro.

Chứng khoán lao dốc, có nên đầu tư? ảnh 4

TS ĐINH THẾ HIỂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học
và kinh tế ứng dụng:

Nhà đầu tư lơ mơ rất dễ bị “lùa gà”

Năm 2000-2005, thị trường xuất hiện nhiều quỹ tương hỗ, quỹ mở nước ngoài vào VN nhưng hiện nay chỉ còn rất ít quỹ ở lại hoạt động. Chính điều này đã tạo ra sự trồi sụt bất thường của thị trường chứng khoán. Trong khi đó, tại Mỹ, số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán thông qua các quỹ rất lớn.

Việc có quá nhiều nhà đầu tư cá nhân thiếu hiểu biết tham gia thị trường rất dễ bị cá mập “lùa gà”. Trong khi đó, nếu các nhà đầu tư cá nhân đầu tư thông qua các quỹ thì mới không có chuyện các công ty niêm yết múa may. Vì các quỹ đó đủ năng lực và chi phí đánh giá từng công ty. Nếu họ đánh giá sai sẽ không huy động được vốn. Sự cạnh tranh của các quỹ trong thị trường sẽ chặn đứng những trò thao túng giá.