Chính phủ sẽ lắng nghe để hoàn thiện quy định thích ứng an toàn

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến chuyên gia, địa phương để bổ sung, hoàn thiện quy định thích ứng an toàn Covid-19.

Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo) với các địa phương sáng 17/10, đề cập đến quy định thích ứng an toàn Covid-19, Thủ tướng nhấn mạnh "tinh thần là thận trọng, không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn". Trung ương ban hành tiêu chuẩn, quy định nhất quán, địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn. Những gì chưa phù hợp thì bổ sung, điều chỉnh ngay.

Thủ tướng nêu rõ, những kết quả đạt được mới là bước đầu, chặng đường sắp tới còn rất gian nan, nhưng "chúng ta có cơ sở khoa học và thực tiễn để tự tin thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh".

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình dịch bệnh, diễn biến các chủng virus mới. Các đơn vị khẩn trương xây dựng chương trình tổng thể về chống dịch; hoàn thành chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; có giải pháp mở cửa trường học; chăm sóc trẻ mồ côi do dịch bệnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với các địa phương, sáng 17/10. Ảnh: TTX

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với các địa phương, sáng 17/10. Ảnh: TTX

Bộ Y tế hướng dẫn địa phương triển khai chiến dịch tiêm chủng; nghiên cứu sửa đổi quy định về mua và sử dụng vaccine; chủ động vaccine cho năm 2022. Khi mở cửa nền kinh tế, việc điều trị bệnh nhân Covid-19 rất quan trọng, bởi người đã tiêm vẫn có thể bị nhiễm, dù giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Vì vậy, Bộ Y tế và địa phương cần chuẩn bị cơ sở điều trị theo hướng vừa tập trung điều trị ca nặng, vừa phân cấp để người bệnh tiếp cận y tế nhanh, sớm, từ cơ sở.

Quy định về thích ứng an toàn được thực hiện thông suốt từ Trung ương tới địa phương, "cấp dưới phải phục tùng cấp trên". Địa phương "tuyệt đối không được ban hành trái chỉ đạo cấp trên, nếu thực hiện cao hơn, sớm hơn phải báo cáo".

Các ý kiến tại cuộc họp thống nhất cho rằng Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, đợt dịch thứ tư đã gây hậu quả rất nghiêm trọng về kinh tế xã hội, đời sống, sức khỏe người dân. Vì vậy, các giải pháp thời gian tới vừa phải khắc phục hậu quả, vừa chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích thêm chỉ tới khi vaccine về nhiều như thời gian qua, Việt Nam mới có điều kiện để chuyển dần sang trạng thái mới. Tuy nhiên, cần thận trọng, tránh cực đoan, nóng vội, bởi các nghiên cứu cho thấy virus có thể xuất hiện những biến chủng mới nguy hiểm.

Ông đề nghị phải dự phòng cho những tình huống xấu nhất, theo tinh thần "biến chủng mới thì phải coi như đại dịch mới".

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, giai đoạn đầu chống dịch, thành phố "thậm chí đến quần áo bảo hộ cũng thiếu, có thể nói là chúng ta trở tay không kịp". Sau đó, thành phố đã căn cứ tình hình, rút kinh nghiệm, kịp thời đưa ra các biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Theo ông Nên, bước ngoặt quyết định là ngày 6/8, Chính phủ ban hành Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng chống Covid-19, đưa ra các tiêu chí, cột mốc, mục tiêu để buộc địa phương phải tìm cách hành động bằng được. Từ đó cục diện chống dịch đã thay đổi, với nhiều giải pháp như phân loại, điều trị bệnh nhân từ xa, từ sớm; điều động nhân lực, tăng cường vật tư, trang thiết bị... Nhiều người cho rằng với mức độ lây nhiễm như vừa qua ở TP HCM, nhiều nơi trên thế giới đã không thể kiểm soát được trong thời gian ngắn.

"Lãnh đạo thành phố và Thủ tướng, các phó thủ tướng, lãnh đạo các bộ liên tục trao đổi, kiểm tra, tạo ra quyết tâm thống nhất, mặc dù nhìn lại vẫn còn chỗ này chỗ kia cần rút kinh nghiệm", Bí thư Thành ủy TP HCM nói.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, trong đợt dịch thứ tư, nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được áp dụng. Việc kết hợp hiệu quả các biện pháp trong điều trị F0 đã làm giảm tử vong, tránh được cuộc khủng hoảng y tế xã hội như một số nước.

"Tác động phối hợp của giãn cách xã hội, xét nghiệm rộng, điều trị sớm, bao phủ vaccine, bảo đảm an sinh đã đem lại kết quả tích cực", ông Long nói và nhận định với kinh nghiệm thực tiễn, năng lực ứng phó của hệ thống y tế nâng cao, chiến lược vaccine phát huy hiệu quả, "chúng ta có thể chủ động hơn trong chuyển hướng chiến lược chống dịch".

Quy định về thích ứng an toàn Covid-19 do Chính phủ ban hành ngày 11/10, phân loại bốn cấp độ nguy cơ gồm: Cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ. Bộ Y tế sau đó ban hành hướng dẫn, dựa trên ba tiêu chí gồm số ca nhiễm mới tại cộng đồng; tỷ lệ tiêm vaccine; năng lực y tế.  

Hàng loạt địa phương đã phân loại cấp độ dịch. Cụ thể, các tỉnh, thành cấp 1 (bình thường mới), gồm: Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Ninh, Bình Thuận, Nam Định... Các tỉnh, thành cấp 2 (nguy cơ trung bình), gồm: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đà Nẵng, Long An, Bình Phước... TP HCM ở cấp 3 (nguy cơ cao).

Viết Tuân