Chìa khóa cho phát triển bền vững ở Việt Nam

Nhiều chuyên gia thuộc các nước Bắc Âu cho rằng khả năng phối hợp giữa doanh nghiệp với đối tác và với chính phủ là chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.

Trong buổi tọa đàm "Ngày Bắc Âu" hôm 24/3, nhiều chuyên gia và các đại sứ đến từ Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển đã có những góp ý về phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt nam, cũng như doanh nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam.

“Trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và tốc độ đô thị hóa nhanh của Việt Nam đã dẫn đến những thách thức nghiêm trọng như ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông, các vấn đề quản lý nước và chất thải”, tiến sĩ Nora Taylor, quyền Hiệu trưởng Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết.

Trong một tuyên bố chung, Đại sứ các nước Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển tại Việt Nam đề xuất “xem xét các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG)” trong quá trình ra quyết định đầu tư của doanh nghiệp, cũng như khu vực công của chính phủ, có thể “đóng góp quan trọng vào sự phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch Covid-19”.

Cần gần gũi hóa khái niệm phát triển bền vững

Các chuyên gia đồng ý với các nhận định cho rằng khái niệm phát triển bền vững vẫn còn khá mới ở Việt Nam và các doanh nghiệp chưa thật sự quen thuộc và hiểu rõ thế nào là phát triển bền vững.

Đối mặt với vấn đề này, ông Thomas Bo Pedersen, Tổng giám đốc công ty Mascot (Đan Mạch), cho biết đối với những khái niệm nghe có vẻ “đao to búa lớn” và “phương Tây” như phát triển bền vững, chúng ta cần phải cụ thể hóa, giải thích nó bằng những định nghĩa cụ thể.

“Khi nói đến tính bền vững, thay vì chỉ nói đến khái niệm chung chung, hãy nói cụ thể hơn như bền vững về cái gì, tính bền vững này bao gồm cái gì, hậu quả của việc bỏ qua tính bền vững trong phát triển là gì, như thiếu nước sạch, thức ăn nhiễm bẩn tràn lan trên thị trường”, ông giải thích.

“Khi chúng ta diễn giải những khái niệm ‘đao to búa lớn’ thành những ví dụ cụ thể, thì người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng hiểu được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong sản xuất và phát triển (cũng là phát triển bền vững) và ủng hộ nó”, ông nói thêm.

Phat trien ben vung tai Viet Nam anh 1

Ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Phạm Tùng Lâm.

Bà Hilde Nordbø, Trưởng Bộ phận Phát triển Bền vững của Ngân hàng Handelsbanken (Na Uy), đồng ý và bổ sung: “Chúng ta nên tạm thời đừng tập trung vào từ bền vững, mà hãy đào sâu những vấn đề đằng sau nó, như nêu ra các ví dụ về về những nơi đang gánh hậu quả vì phát triển không bền vững như những nơi có nguồn nước bị ô nhiễm, không sử dụng được; các vùng biển cạn kiệt nguồn cá, không khai thác được”.

Bà cho rằng những thứ cụ thể như vậy, thường là tin tiêu cực, nhưng có tác động trực tiếp đến nhận thức của chúng ta về tầm quan trọng của phát triển bền vững, về ảnh hưởng tiềm năng đến con cái, gia đình, môi trường sống của mỗi người.

Từ đó, bà đề xuất khi các công ty và chính phủ muốn đạt hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức và thực hành về phát triển bền vững, thì cần đưa ra lợi ích mà mỗi người dân, doanh nghiệp có thể nhận được từ việc bảo vệ môi trường trong sản xuất và phát triển, như chất lượng nguồn nước tăng, chất lượng không khí được cải thiện,...

“Mọi thứ phải chi tiết, và từ chi tiết đó, chúng ta có thể nói đến vấn đề lớn hơn và thuyết phục mọi người hơn”, bà nói.

Giải pháp cho phát triển bền vững

Tại tọa đàm, các chuyên gia đồng tình rằng hoạt động sản xuất ngày nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp ở những công đoạn khác nhau. Do đó, việc phối hợp giữa doanh nghiệp và đối tác để xây dựng báo cáo năng lượng rõ ràng là chìa khóa để đảm bảo phát triển bền vững.

Ông Thomas Bo Pedersen cho hay minh bạch là yếu tố tiên quyết khi làm việc với chính phủ các nước về báo cáo khí thải CO2.

“Lượng khí thải ra môi trường không chỉ đến từ hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp, các yếu tố gián tiếp như vận chuyển, sản xuất nguyên liệu đầu vào, phân phối và tiêu thụ sản phẩm của nhiều cá nhân, tổ chức cũng làm gia tăng lượng khí thải. Do đó, phải có sự phối hợp giữa các đối tác liên quan và người tiêu dùng để tổng hợp, đánh giá lượng khí thải minh bạch”, ông nói.

Ông Thomas hy vọng hồ sơ khí thải minh bạch sẽ góp phần tăng cường khả năng phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với chính phủ Việt Nam để triển khai các cam kết sau Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (COP26) tại Glasgow tháng 11/2021. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 năm 2050 và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.

Phat trien ben vung tai Viet Nam anh 2

Ông Thomas Bo Pedersen và bà Hilde Nordbø trả lời phóng viên thông qua hình thức trực tuyến. Ảnh: Phạm Tùng Lâm.

Bà Christine Backstrom - CEO của Hội đồng Quốc tế Ngành Công nghiệp Thụy Điển - cho rằng tiếp cận theo mô hình ESG không chỉ nói đến phát triển bền vững, mà còn khả năng thích nghi, ứng phó trước các thách thức không lường trước, tiêu biểu như đại dịch Covid-19.

Ở quy mô doanh nghiệp, bà Backstrom nói rằng đảm bảo cạnh tranh công bằng trong môi trường lao động là bước đầu thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.

“Một yếu tố quan trọng tương quan năng lực quản trị của doanh nghiệp là việc đảm bảo nhân viên được trả lương công bằng, chính sách phúc lợi đầy đủ, cũng như an toàn lao động”, bà nói.

Nhu cầu từ người lao động cũng đặt ra những yêu cầu về việc xây dựng môi trường làm việc bền vững. Dữ liệu của tổ chức nghiên cứu B Lab tại Hong Kong và Macau năm 2020 cho biết nhân viên thuộc Gen Z quan tâm đến vấn đề môi trường tăng 128% so với năm trước.

Với việc số lượng Gen Z đang tăng trong thị trường lao động, họ sẽ mang theo những kỳ vọng về môi trường làm việc, bao gồm tính bền vững. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành và môi trường lao động để thu hút nhân tài, theo B Lab.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp chủ tịch Hội đồng Tín thác ĐH Fulbright

Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 18/3 đã tiếp ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, và các chuyên gia Đại học Fulbright Việt Nam.

Xung đột Nga - Ukraine sẽ không ảnh hưởng nặng tới kinh tế Việt Nam

Theo giám đốc của Viện Tài chính Quốc tế IIF Washington, xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ không ảnh hưởng quá sâu rộng đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Cập nhật tình hình Covid-19 (từ 29/4/2021)

Xem chi tiết
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh Hôm nay Tổng số ca