Cảnh sát giao thông lý giải việc xử phạt xe không chính chủ

Trước những quan tâm, lo lắng của người dân về việc CSGT xử phạt lỗi "Đi xe không chính chủ", một cán bộ CSGT ở Hà Tĩnh đã có những phân tích rõ giải đáp những thắc mắc, hoang mang.

Thời gian gần đây, trước thông tin từ 1/1/2022, CSGT bắt đầu phạt lỗi đi xe không chính chủ, nhiều người dân hoang mang, lo sẽ bị phạt nếu đi xe mượn hoặc con cái lấy xe đứng tên cha mẹ hoặc ngược lại để sử dụng...

Trao đổi với PV Dân trí, Thiếu tá Diệp Xuân Quyền - Đội trưởng Đội xử lý vi phạm và tuyên truyền, thuộc Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh đã phân tích rõ về quy định xử phạt này. 

Cảnh sát giao thông lý giải việc xử phạt xe không chính chủ - 1

Thiếu tá Diệp Xuân Quyền trao mũ bảo hiểm cho các cháu học sinh trong quá trình phổ biến, tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh (Ảnh: CTV).

Thiếu tá Quyền cho hay, từ trước tới nay chưa có một quy định nào xử phạt người đi xe mang đăng ký xe đứng tên người khác và cũng không có quy định nào cấm đi xe mượn vì đó là giao dịch dân sự hợp pháp.

"Không có quy định nào bắt buộc người đi xe phải mang đăng ký xe đúng tên mình. Chính vì vậy CSGT cũng không thể phạt khi một người dân điều khiển phương tiện nhưng cầm đăng ký mang tên người khác. Trong trường hợp này không có căn cứ để nói chiếc xe này chưa sang tên đổi chủ", Thiếu tá Quyền khẳng định.

Theo vị CSGT trên, để xác định lỗi "đi xe không chính chủ", lực lượng chức năng chỉ có thể căn cứ vào việc điều tra, xác minh hồ sơ xe khi kết hợp điều tra các vụ tai nạn giao thông, hoặc các vụ việc khác có liên quan. Khi đó, nếu phát hiện xe đã mua bán, sang nhượng nhưng vẫn chưa làm thủ tục thì sẽ ra quyết định xử phạt.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: "Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 4, Điểm l Khoản 7 Điều 30 Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe".

Như vậy, việc xử phạt xe không chính chủ chỉ trong 2 trường hợp sau: Qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe.

Cảnh sát giao thông lý giải việc xử phạt xe không chính chủ - 2

Lực lượng CSGT ở Hà Tĩnh tiến hành kiểm tra hành chính, xử phạt các trường hợp vi phạm giao thông (Ảnh: Tiến Hiệp).

Ngoài ra, Thiếu tá Diệp Xuân Quyền còn cho biết thêm, hiện nay có 2 vấn đề cũng đang khiến người dân rất quan tâm đó là sang tên đổi chủ và thực hiện chuyển đổi biển số sang nền vàng đối với các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải.

"Theo quy định tại Thông tư 58/2020/TT-BCA về quản lý phương tiện. Đối với tất cả các phương tiện mua bán qua nhiều đời chủ, bây giờ không xác định được chủ cũ ở đâu, làm gì, chủ mới cần sang tên chính chủ mình mà mất hồ sơ mua bán thì chủ sở hữu chỉ cần đến cơ quan công an có cam kết đó là tài sản của mình và không vi phạm pháp luật thì được cấp lại giấy đăng ký mới. Tuy nhiên, việc đó phải thực hiện trước ngày 31/12/2021. Sau thời hạn trên, mọi loại xe thuộc diện trên đều không được giải quyết nữa.

Thông tư 58/2020/TT-BCA cũng quy định, đối với xe đang hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31/12/2021. Sau thời hạn quy định, nếu không thực hiện thì sẽ bị xử phạt", Thiếu tá Quyền nói.

Đối với lỗi vi phạm "Không sang tên đổi chủ" theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định rõ:

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.

Ngoài ra, Nghị định số 123/2021 sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 100/2019/NĐ-CP còn bổ sung hành vi vi phạm đối với các lỗi như: Không làm thủ tục đổi lại giấy đăng ký xe theo quy định khi thay đổi địa chỉ của chủ xe; không thực hiện đúng quy định về biển số xe.

Theo đó, nghị định này quy định xử phạt chủ xe mô tô vi phạm từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng với xe cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng với tổ chức. Với ô tô, mức phạt tương ứng là 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng với cá nhân và từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng với tổ chức.

Tiến Hiệp