Cảnh báo ngày 20/12, TPHCM có chỉ số UV ở mức nguy cơ gây hại rất cao

Theo dự báo, trong hôm nay (20/12) tại miền Nam, chỉ số UV (tia cực tím) ở mức nguy cơ gây hại cao, riêng TPHCM đạt mức rất cao.

Sáng 20/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đã có thông tin cảnh báo về tia cực tím (UV) trong ngày.

TPHCM có chỉ số UV ở mức "đỏ"

Cụ thể trong hôm nay, chỉ số UV cực đại tại các tỉnh/thành miền Bắc và miền Trung phổ biến ở mức nguy cơ trung bình (từ 3-5). Tại miền Nam, chỉ số này ở mức nguy cơ gây hại cao, riêng TPHCM đạt mức rất cao.

Cụ thể, theo dự báo chi tiết, từ 11h, TPHCM sẽ có chỉ số UV đạt mức 7.2 (nguy cơ cao, cảnh báo màu cam). Tuy nhiên khi đến 12 giờ, chỉ số này lên đến 7.6 (nguy cơ rất cao, cảnh báo đỏ).

Đây cũng là địa phương duy nhất trong 10 tỉnh thành lớn trên cả nước (Hạ Long, Hải Phòng, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang TPHCM, Cần Thơ, Cà Mau) được Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo có "cảnh báo đỏ" về chỉ số UV trong ngày.

Dự báo trong ba ngày tới, chỉ số UV cực đại tiền năng khu vực miền Bắc và miền Nam đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao. Trong khi đó tại miền Trung chỉ số UV cực đại dự báo ở mức cao trong hai ngày đầu (21, 22/12) và giảm xuống mức nguy cơ gây hại trung bình trong ngày thứ ba (23/12).

Cảnh báo ngày 20/12, TPHCM có chỉ số UV ở mức nguy cơ gây hại rất cao - 1

TPHCM có chỉ số UV ở mức nguy cơ rất cao trong ngày 20/12 (Ảnh: Biên Thùy).

TPHCM là khu vực thường xuyên xảy ra nắng nóng kéo dài trong vài năm trở lại đây. Có thời điểm nhiệt độ lên đến 40 độ C và chỉ số tia UV ở mức "cực kỳ nguy hại cho da" (> 10.5).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi chỉ số UV ở mức 6-7 sẽ có khả năng gây bỏng da sau 30 phút nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mà không có biện pháp bảo vệ. Chỉ số UV mức 8-10 sẽ cho thời gian gây bỏng là 25 phút. Nếu lên đến 11+ sẽ bị bỏng nếu tiếp xúc với thời gian 10 phút.

Nhiều chuyên gia cho biết, bức xạ cực tím (Ultraviolet radiation) là thành phần trong ánh sáng mặt trời. Trong đó quan trọng nhất là tia cực tím A và B (UVA và UVB) do có thể gây tổn thương DNA của tế bào da. Chỉ số cực tím càng cao thì nguy cơ gây tổn thương cho cơ thể càng lớn.

Khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da sẽ bị bỏng, khô sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da. Ngoài ảnh hưởng trên da, tia cực tím còn có thể gây các vấn đề cho mắt.

Biện pháp bảo vệ khỏi tia UV

Vì các hậu quả nặng nề trên nên khi ánh nắng quá gay gắt, bác sĩ khuyên người dân phải biết cách tự bảo vệ bằng nhiều biện pháp như:

- Dùng kính mát có khả năng chặn tia cực tím (chỉ số ANSI trên bao bì).

- Mặc áo khoác, đeo khẩu trang, thoa kem chống nắng.

- Chú ý bảo vệ đặc biệt cho trẻ em, do da của trẻ nhạy cảm hơn và thời gian tiếp xúc với ánh nắng còn kéo dài hơn người lớn. Tuy nhiên không nên quá sợ tác hại của ánh nắng mà hạn chế các hoạt động ngoài trời của trẻ.

Biên Thùy