Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: "Tự chủ đại học là một cơ chế mới, phức tạp"

(Dân trí) - Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, tự chủ đại học là một cơ chế mới, phức tạp, cần đồng bộ của nhiều yếu tố, nhiều khâu...nên bộc lộ những hạn chế, khó khăn là điều khó tránh khỏi.

Ngày 4/8, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đã đạt được trong triển khai tự chủ đại học, thẳng thắn nhìn nhận khó khăn, vướng mắc và xác định những nguyên nhân trọng yếu, từ đó định hướng lộ trình cùng những việc cần làm trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tự chủ đại học là một cơ chế mới, phức tạp - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh tới dự và chủ trì hội nghị (Ảnh: Quang Trường).

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ được Đảng và Nhà nước coi là quốc sách hàng đầu, là một trong ba đột phá chiến lược để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trước mắt cũng như lâu dài. Đổi mới và phát triển giáo dục đại học là khâu, phần quan trọng của nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đó.

Theo Bộ trưởng, trường đại học hoạt động với tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao là mô hình và cơ chế phổ biến trên khắp thế giới. Điều này đã tồn tại lâu dài và sự ưu việt được khẳng định trong thực tế hoạt động giáo dục bậc cao của nhân loại.

Ở Việt Nam, quá trình thực hiện tự chủ đại học là một phần của quá trình đổi mới và hiện đại hóa, quốc tế hóa giáo dục đại học; là một khâu trong sự chuyển đổi mô hình giáo dục đại học thời kỳ bao cấp và kế hoạch hóa sang thời kỳ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tự chủ đại học là một cơ chế mới, phức tạp - 2

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: Quang Trường.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam diễn ra dưới sự chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt thông qua các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước trong ba thập niên vừa qua đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực.

Tự chủ đại học như một cuộc cách mạng để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học. Theo định hướng đổi mới đó, giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đặc biệt, trong mấy năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã và đang chuyển đổi dần cơ chế, từng bước thực hiện các quyền chủ động của mình.

Nhờ đó, các cơ sở giáo dục đã năng động hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn, cả hệ thống đại học có những chuyển biến mạnh mẽ trong cả nhận thức và hành động, lý luận và thực tiễn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tự chủ đại học là một cơ chế mới, phức tạp - 3

Số lượng công bố quốc tế sau 5 năm của các trường đại học Việt Nam (nguồn Bộ GD-ĐT).

"Có thể nói, một luồng sinh khí mạnh mẽ đã xuất hiện từ bên trong của hệ thống và thúc đẩy các đại học phát triển. Giá trị và phương diện tích cực của tự chủ đại học là rõ ràng, là hiển nhiên và không thể phủ định được", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Tự chủ đại học - khó tránh khỏi vướng mắc

Bộ trưởng chia sẻ thêm, tự chủ đại học là một cơ chế mới, phức tạp, cần đồng bộ của nhiều yếu tố, nhiều khâu, nhiều hoạt động. Vì vậy, quá trình triển khai thời gian qua vẫn có những vướng mắc, còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn là điều khó tránh khỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tự chủ đại học là một cơ chế mới, phức tạp - 4
Các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: Quang Trường.

Cụ thể, có những vướng mắc do hệ thống văn bản quy định pháp luật làm nền tảng cho việc triển khai còn có những điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ và nhất quán; khó khăn vướng víu do những thói quen cũ, cách nghĩ cũ, tư duy cũ; vướng mắc do sự chia sẻ và đón nhận từ xã hội có chuyển biến chưa đồng bộ và tương thích.

Ngoài ra, có những ngộ nhận về các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan tới tự chủ…; những trục trặc phát sinh trong quá trình chuyển đổi hệ thống và chuyển đổi của các đơn vị, các thành tố; những vấn đề nảy sinh từ các điều kiện để thực hiện tự chủ trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế xã hội của Việt Nam trong hơn 30 năm qua.

Theo Bộ trưởng, Hội nghị về tự chủ đại học do Bộ GD-ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội tổ chức là dịp để những người tham dự cùng nhau nhận thức sâu hơn, đầy đủ và thông suốt hơn về các vấn đề có liên quan đến tự chủ đại học; cùng bàn về các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.

"Hội nghị là dịp để chúng ta cùng đề xuất các giải pháp nhằm phát huy yếu tố tích cực, kết quả tốt đã đạt được; chỉ ra nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trong thực hiện tự chủ đại học. Và đặc biệt, chúng ta cùng xác định các vấn đề, các yêu cầu, các công việc cần làm tiếp trong thời gian sắp tới, những việc mà các cơ sở giáo dục đại học, các bộ ngành, địa phương với trách nhiệm của mình cần thiết phải triển khai", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Hội nghị, đại biểu sẽ tập trung trao đổi một số vấn đề chính gồm: Chiến lược phát triển và hội nhập quốc tế; Đổi mới quản trị đại học và quản lý nhà nước; Nguồn lực cho phát triển giáo dục đại học. Với việc đi sâu vào các chủ đề này, ban tổ chức hy vọng Hội nghị làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề quan trọng, cả ở tầm vĩ mô và vi mô, tầm chính sách và các vấn đề có tính kỹ thuật, cả nhận thức và hành động, cả vấn đề bên trong và vấn đề bên ngoài có liên quan.

Hội nghị cũng sẽ nghe ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về định hướng cho việc triển khai trong thời gian sắp tới.

"Với khoảng thời gian tổ chức hội nghị ngắn gọn trong vòng một ngày, các ý kiến khá nhiều và phong phú, mong các đại biểu đi thẳng vào vấn đề, phát biểu với tinh thần xây dựng, tinh thần trách nhiệm và kiến tạo để việc tự chủ đại học được thực hiện ngày càng đúng hướng, ngày càng có chiều sâu", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.