Bộ máy còn cồng kềnh, Thủ tướng yêu cầu thu gọn trong năm 2022

Nhiều lần lưu ý công tác cán bộ rất khó và nhạy cảm, Thủ tướng yêu cầu lựa chọn cán bộ phải dân chủ, công khai, chống tiêu cực, tham nhũng và không để tình trạng chạy chọt xảy ra.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành nội vụ diễn ra sáng 12/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu nhiều ấn tượng với kết quả của ngành.

Ông ghi nhận Bộ Nội vụ đã đổi mới rất nhanh và bám sát thực tiễn, tập trung xây dựng thể chế, tham mưu cho công tác bầu cử với vai trò là cơ quan chủ chốt.

Tổ chức thi tuyển cán bộ để không ai “chạy” được

Nhắc đến vấn đề phân cấp, phân quyền, Thủ tướng cho rằng đợt dịch Covid-19 đã bộc lộ nhiều bất cập trong hệ thống khi quyền tập trung quá nhiều ở Trung ương.

Lấy Hà Nội và TP.HCM làm dẫn chứng, Thủ tướng cho rằng khi tình hình phức tạp hoặc có khủng hoảng thì đồng thời bộc lộ ngay bất cập trong phân cấp, phân quyền.

Điển hình như việc bình thường không ai đến trạm xá, nhưng khi dịch bùng phát, tất cả dồn vào bệnh viện khiến bệnh viện quá tải, tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cao. Đó là “cái giá phải trả” khi không phân cấp, phân quyền tốt, theo lời Thủ tướng.

Lan dau tien ca nuoc vuot muc tieu tinh gian bien che anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành nội vụ. Ảnh: VGP.

Đề cập đến việc thi tuyển cán bộ, Thủ tướng nhấn mạnh việc này rất quan trọng. Ví dụ ở tỉnh khi tổ chức thi tuyển cán bộ cấp ban thường vụ quản lý với 16-17 ứng viên thì không ai có thể “chạy” được, chấm dứt tình trạng nể nang anh em, bà con, đồng chí…

Về đánh giá một bộ phận cán bộ công chức, viên chức chưa đủ tầm, việc thi tuyển còn hình thức, người đứng đầu Chính phủ góp ý thi tuyển chọn người giỏi phải xem hồ sơ từ khi còn đi học của người đó. “Tôi tuyển dụng bao giờ cũng phải nghiên cứu học bạ từ hồi đi học các cấp của người đó xem có tốt không, tức là phải lựa chọn cán bộ có nền tảng tốt”, Thủ tướng chia sẻ kinh nghiệm của một người từng làm công tác tổ chức.

Song theo ông, không thể máy móc, cứng nhắc vì có những người học không tốt nhưng làm việc giỏi, tiếp cận công việc nhanh.

Vì công tác cán bộ rất khó, rất nhạy cảm, Thủ tướng nhắc Bộ Nội vụ phải giữ nguyên tắc tập trung dân chủ. Song song với đó, phải chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt tham nhũng chính sách trong quá trình điều hành.

“Không được để tình trạng chạy chọt xảy ra trong công tác cán bộ, tổ chức bộ máy”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nêu yêu cầu về sắp xếp, tổ chức bên trong các bộ, Thủ tướng đánh giá bộ máy còn cồng kềnh nên dù khó, Bộ Nội vụ cần quyết tâm thực hiện trong năm 2022.

“Như Bộ Công an, các tổng cục hình thành trong 35 năm nhưng Bộ quyết tâm cắt khâu trung gian, giảm 8 tổng cục và hơn 100 cục, vụ mà nhiệm vụ vẫn hoàn thành tốt”, Thủ tướng dẫn chứng và cho rằng vấn đề là có quyết tâm làm hay không.

Theo người đứng đầu Chính phủ, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ rất quan trọng, nhạy cảm vì đụng đến bộ máy, con người. “Bộ máy phình ra, lợi ích tăng lên ai cũng thích, nhưng khi thu gọn bộ máy, lợi ích giảm đi ai cũng bùi ngùi, lo lắng, băn khoăn, nhiều tâm tư”, Thủ tướng chia sẻ.

Để giải quyết câu chuyện này, ông nhấn mạnh cách tốt nhất là xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình từ tổ chức bộ máy cho đến con người và căn cứ vào đó để thực hiện.

Lần đầu tiên vượt mục tiêu tinh giản biên chế

Phát biểu trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định toàn ngành đã vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao trong năm 2021.

Theo bà Trà, điểm nổi bật là Bộ đã tham mưu và phối hợp chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả mà trọng tâm là rà soát, sắp xếp các tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn, UBND cấp tỉnh, cấp huyện; tiếp tục cơ cấu, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập.

Lan dau tien ca nuoc vuot muc tieu tinh gian bien che anh 2

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: VGP.

Cùng với đó, Bộ đã rà soát cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với công chức, viên chức.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Nội vụ, năm 2021, lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế (10%) mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39. Tính đến hết năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94%; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm 49,25% so với năm 2015.

Cùng với đó, kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và tương đương cho thấy giảm được 7 sở và 1.648 tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp sở, giảm 451 phòng thuộc cơ quan chuyên môn cấp huyện. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm được 12,35% so với năm 2015.

Giảm chi ngân sách hơn 15.000 tỷ nhờ tinh gọn bộ máy, giảm biên chế

Lũy kế từ năm 2017 đến 2019, chi ngân sách Nhà nước giảm trên 15.000 tỷ từ tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới lĩnh vực sự nghiệp công.

Cập nhật tình hình Covid-19 (từ 29/4/2021)

Xem chi tiết
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh Hôm nay Tổng số ca