Bệnh viện 1A có trách nhiệm ra sao khi bệnh nhân nâng ngực tử vong?

Theo luật sư, cần dựa vào kết luận giám định pháp y về nguyên nhân tử vong của bệnh nhân nâng ngực để xác định trách nhiệm của ê-kíp phẫu thuật và Bệnh viện 1A.

Ông Ngô Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện 1A, cho biết cơ quan này đang phối hợp với công an và Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xác minh, điều tra việc bà N.T.N.N. (32 tuổi, ngụ TP.HCM) tử vong sau khi nâng ngực tại đây.

Theo chị gái của nạn nhân, N. được bác sĩ đưa đến Bệnh viện 1A để thực hiện phẫu thuật lúc 11h30 ngày 18/3. Tuy nhiên, đến 16h11 cùng ngày, người thân nhận được thông báo từ bệnh viện về việc N. đang trong tình trạng nguy kịch. Đến 17h35, người phụ nữ này tử vong.

benh nhan tu vong khi nang nguc anh 1

Chị N. tử vong sau khoảng 6 giờ phẫu thuật nâng ngực. Ảnh: N.T.

Theo dõi vụ việc, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú - TAT LAW FIRM) cho biết theo quy định tại khoản 7 Điều 12 Nghị định 109/2016/NĐ- CP, người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở khám chữa bệnh nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám chữa bệnh khác nhau. Ngoài ra, tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Và người hành nghề phải bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề đã đăng ký.

"Đối với vụ việc xảy ra tại Bệnh viện 1A, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình đang tiến hành các bước điều tra ban đầu. Do đó phải chờ kết luận giám định pháp y về nguyên nhân cái chết mới làm rõ được những bước tiếp theo", bà Thảo nêu quan điểm.

Theo nữ luật sư, Thông tư 43/2018/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 26/12/2018 về hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám, chữa bệnh có quy định tại khoản 1 Điều 2 nêu rõ: Sự cố y khoa được hiểu là các tình huống không mong muốn xảy ra trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị do các yếu tố khách quan, chủ quan mà không phải do diễn biến bệnh lý hoặc cơ địa người bệnh, tác động sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Nghị định 102/2011/NĐ-CP ngày 14/11/2011 quy định về bảo hiểm trách nhiệm trong khám chữa bệnh, phạm vi bảo hiểm là bảo hiểm đối với tai biến trong khám chữa bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra bởi lỗi sơ suất, bất cẩn của người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh gây ra cho người bệnh.

Theo đó, trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh, doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở khám chữa bệnh đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám chữa bệnh đó.

Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh chưa mua bảo hiểm thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật. Ngoài việc bồi thường theo quy định, cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật.

Đối với sự cố y khoa theo chuyên môn trong lĩnh vực khám chữa bệnh, sự cố y khoa có ý nghĩa rộng hơn tai biến trong khám chữa bệnh.

Theo luật sư, hiện pháp luật chỉ mới quy định về thuật ngữ sự cố y khoa, cách báo cáo, ghi nhận sự cố và cách phòng ngừa sự cố y khoa; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của người hành nghề khám chữa bệnh và cơ sở khám chữa bệnh khi xảy ra sự cố y khoa. "Đây là lỗ hổng mà pháp luật cần phải điều chỉnh, bổ sung", luật sư Thảo nói.

Để xác định người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật hay không thì phải do hội đồng chuyên môn xác định. Kết luận của hội đồng chuyên môn là cơ sở để giải quyết, để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền về y tế, người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh quyết định áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với người hành nghề.

Về bồi thường dân sự, theo luật sư, việc khám chữa bệnh tại cơ sở y tế được xem là một hợp đồng dịch vụ. Khi phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì phải có thiệt hại xảy ra, phải có hành vi trái pháp luật, có lỗi và có mỗi quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với thiệt hại xảy ra.

Về trách nhiệm hình sự, tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp tại điều 129 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính thì bị phạt tù 1-5 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù 5-12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

"Liên quan đến trách nhiệm của ê-kíp phẫu thuật hay lãnh đạo bệnh viện cần phải chờ kết luận từ cơ quan có thẩm quyền chuyên môn và kết luận giám định pháp y về nguyên nhân tử vong", luật sư Thảo nói.

Một phụ nữ ở TP.HCM tử vong sau khi nâng ngực

Khoảng 6 giờ sau ca phẫu thuật nâng ngực, người phụ nữ 34 tuổi được xác định tử vong.

Một bác sĩ liên quan vụ người phụ nữ tử vong sau 2 tháng nâng mũi

Công an xác định một bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và ít nhất 3 người khác liên quan việc nâng mũi cho người phụ nữ 22 tuổi.