Bác sĩ bệnh viện tâm thần nhận tiền để bao che trùm ma túy

Trưởng khoa thuộc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 bị cáo buộc nhận 10 triệu đồng mỗi tháng để bao che, dung túng cho Nguyễn Xuân Quý mua bán, tổ chức sử dụng ma túy.

Trong số 10 bị can liên quan vụ bệnh nhân mở phòng bay lắc ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Công an Hà Nội đề nghị truy tố bà Nguyễn Thị Lưu (cựu Trưởng khoa thuộc bệnh viện này) về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nguyễn Thị Minh Huệ và Bùi Thị Hạt (2 cựu nhân viên bệnh viện) bị đề nghị truy tố tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Còn Nguyễn Anh Vũ (cựu kỹ thuật viên bệnh viện) bị cáo buộc chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Bac si Benh vien Tam than anh 1

Các bị can Đỗ Thị Lưu và Nguyễn Xuân Quý.

Cuối năm 2018, Nguyễn Xuân Quý (39 tuổi) phạm tội tàng trữ ma túy và bị bắt buộc chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 theo quyết định của VKSND huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Khi được đưa vào phòng điều trị ở tầng 2 của Khoa Phục hồi chức năng, Quý được ưu tiên ở một mình, có chìa khóa riêng để tự do đi lại. Cuối năm 2020, bệnh nhân này cải tạo nơi điều trị thành phòng bay lắc, lắp hệ thống loa, âm ly và đèn nháy để tổ chức sử dụng ma túy.

Nguyễn Xuân Quý còn tạo thêm 2 phòng riêng tại nơi điều trị để cất giấu ma túy, mục đích để sai đàn em đưa hàng cấm ra bán ở ngoài bệnh viện. Theo điều tra, bị can này thường mua ma túy đá, thuốc lắc và hồng phiến của Cường (quê Nghệ An, chưa rõ tung tích).

Lời khai của Nguyễn Xuân Quý cho thấy anh ta đã lôi kéo, dụ dỗ nhóm cựu nhân viên bệnh viện là Vũ, Huệ và Hạt cùng sử dụng ma túy ngay tại phòng bay lắc. Quý coi họ là người bao che cho hoạt động phi pháp của mình. Nhờ đó, trùm ma túy cảm thấy bệnh viện tâm thần là nơi an toàn để thực hiện các phi vụ mua bán, tổ chức sử dụng ma túy.

Điển hình là tối 1/2/2021, Quý và đàn em tổ chức buổi tiệc bay lắc để mừng sinh nhật của Nguyễn Thị Minh Huệ. Sau bữa ăn tối, nhóm đàn em của Quý, trong đó có Nguyễn Trung Nguyên là bồ của Huệ, cùng 3 bị can Huệ, Hạt và Vũ tụ tập sử dụng ma túy, thuốc lắc cho đến 4-5h sáng hôm sau.

Đến ngày 13/3/2021, Huệ còn chủ động gọi điện cho Quý và nói "tối nay bọn em chơi, anh cho bọn em mấy viên nhé". Biết Huệ xin thuốc lắc để cùng Nguyên, Vũ và Hạt sử dụng nên Quý đồng ý.

Đối với Trưởng khoa Đỗ Thị Lưu, Quý khai mỗi tháng đã nộp cho bác sĩ này 10 triệu đồng nhằm mua chuộc đối phương. Quý trình bày nếu không đưa tiền, bà Lưu dọa sẽ không cho anh ta ra ngoài, cũng không cho người nhà đến thăm gặp.

"Mua chuộc, dụ dỗ được trưởng khoa và 3 nhân viên y tế, Quý ngang nhiên lộng hành, dọa nạt các nhân viên trong khoa khiến không ai dám nhắc nhở, tiếp xúc hay vào buồng bệnh của Quý", kết luận điều tra nêu.

Cơ quan điều tra cho rằng bà Lưu đã lợi dụng chức vụ, uy tín của mình để thu tiền trái phép từ Quý và người nhà. Sau đó, nữ bị can thông qua quỹ công đoàn để chia cho mỗi cán bộ, nhân viên khoảng 600.000 đồng/tháng. Từ tháng 1/2019 đến khi vụ án bị phát hiện, tổng số tiền bị can Lưu vụ lợi rồi chia cho cấp dưới là 384 triệu đồng.

Sau khi bị bắt, bà Lưu khai bản thân biết Quý cải tạo buồng bệnh thành nơi bay lắc. Có lần, bà yêu cầu Quý tháo dỡ nhưng anh ta từ chối. Nữ trưởng khoa ý thức được việc làm sai trái của bệnh nhân, song bà trình bày do nể nang, sợ ảnh hưởng đến công việc của bản thân và của khoa nên bỏ mặc. Về cáo buộc nhận tiền hàng tháng từ Nguyễn Xuân Quý, bà Lưu đã phủ nhận.

Bac si Benh vien Tam than anh 2

Quý dán kín cửa sổ, người từ bên ngoài không thể nhìn thấy hoạt động phía trong căn phòng bay lắc. Ảnh: Thạch Thảo.

Quá trình điều tra, các bị can Nguyễn Thị Minh Huệ, Bùi Thị Hạt và Nguyễn Anh Vũ còn khai từng nhiều lần cùng nhau sử dụng ma túy ngay tại phòng bay lắc do Quý cải tạo. Do có nhu cầu dùng ma túy nên 3 cựu nhân viên này đã bao che, bỏ mặc cho Quý lộng hành. Huệ và Hạt cũng là những người chủ mưu, cầm đầu việc tổ chức sử dụng chất ma túy.

Nhiều bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế khác của Khoa Phục hồi chức năng thừa nhận Quý được Trưởng khoa Đỗ Thị Lưu dung túng, bao che. Bên cạnh đó, Quý là kẻ côn đồ, hung hãn nên họ chỉ còn cách tránh mặt, không tiếp xúc.

Còn bác sĩ Lê Thị Mỹ (tổ trưởng công đoàn) khai mỗi tháng, bà Lưu thường thu tiền của người nhà bệnh nhân nhưng không biết con số cụ thể. Riêng Nguyễn Xuân Quý, bà Lưu đưa 2-3 triệu đồng mỗi tháng để Mỹ nhập vào quỹ công đoàn.

Ngoài bà Đỗ Thị Lưu và nhóm bị can là cựu nhân viên y tế, Công an Hà Nội xác định ông Vương Văn Tịnh (cựu Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1) và các phó giám đốc Nguyễn Tuấn Đại, Lê Ngọc Tú và Nguyễn Mạnh Phát có nhiều sai phạm liên quan vụ án.

Đối với hành vi được cho là thiếu trách nhiệm của ông Tịnh và các phó giám đốc bệnh viện, cơ quan điều tra đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế xem xét xử lý những người này.

Kiến nghị xử lý nhiều lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 1

Công an Hà Nội xác định ông Vương Văn Tịnh và 3 phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 1 có nhiều sai phạm liên quan vụ bệnh nhân mở phòng bay lắc, mua bán ma túy.

Bà Nguyễn Phương Hằng đối diện với khung hình phạt nào?

Công an cáo buộc bà Hằng dùng nhiều ngôn từ mang tính nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.