Ba yếu tố đe dọa tài nguyên nước vùng Tây Nam Bộ

TP HCMÁp lực từ hồ chứa thượng lưu sông Me Kong, hạn mặn và tác động từ phía con người đe dọa đến nguồn nước – tài nguyên thiết yếu cho kinh tế Tây Nam Bộ.

Thông tin được PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang, Viện phó Viện Môi trường Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP HCM) nêu tại hội thảo khoa học trực tuyến về quản lý môi trường khu vực đô thị và công nghiệp, sáng 15/10.

Theo PGS Quang, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế trọng điểm có diện tích hơn 40.000 km2 và hơn 18 triệu dân. Hiện nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản được coi là ngành kinh tế chủ chốt ở ĐBSCL và nước là thiết yếu. Nguồn tài nguyên này duy trì cuộc sống của người dân và hệ sinh thái nhưng nó đã thay đổi nhanh chóng trong thời gian gần đây.

Lãnh đạo viện Môi trường Tài nguyên dẫn chứng, lũ ở ĐBSCL lớn nhất vào năm 2011 và giảm dần các năm sau đó. Đến năm 2016, lũ về thấp nhất, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sinh kế của người dân. Tình trạng hạn hán ở khu vực này cũng trở nên phức tạp, trong năm 2015, 2016, 2019, 2020 gây thiệt hại cho nông nghiệp. Tần suất xuất hiện hạn nghiêm trong thường xuyên, cường độ lớn và quy mô rộng hơn.ĐBSCL nằm ở hạ nguồn sông Me Kong mang nước và phù sa dồi dào bồi đắp hàng năm. Tuy nhiên các chuyên gia chỉ ra, sự phát triển nhiều hồ chứa nước và các tác động khai thác đất, rừng của con người ở thượng nguồn khiến dòng sông bị thay đổi dòng chảy, nước lũ chảy về hạ nguồn muộn và thấp hơn so với nhiều năm trước.

"Lũ lụt, hạn hán là hai sự kiện cực trị của thủy văn nhưng diễn biến theo xu hướng ngày càng cực trị hơn, tức lũ giảm, hạn tăng là một thách thức lớn ảnh hưởng tài nguyên nước của ĐBSCL", PGS Quang nói và cho biết nếu không có giải pháp ứng phó với các yếu tố bất thường từ thượng lưu sẽ gây hậu quả khó lường.

Tình trạng nước biển dâng, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn, có năm vào sâu khoảng 100 km, gây nhiều thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của người dân. Về vấn đề này, PGS Quang đề xuất cần xây dựng hệ thống kiểm soát tình trạng xâm nhập mặn và tác động lũ lụt từ phía biển.

Kênh Rạch Háng ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau cạn trơ đáy trong đợt hạn mặn. Ảnh: Hoàng Nam

Kênh Rạch Háng ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau cạn trơ đáy trong đợt hạn mặn. Ảnh: Hoàng Nam

Theo các chuyên gia, tác động của con người là yếu tố cuối cùng ảnh hưởng đến tài nguyên nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Đó là sự gia tăng dân số làm đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, nền đất bị sụt lún trung bình từ 2-3 cm mỗi năm. Các hoạt động kinh tế của nhà máy và khu công nghiệp tác động gây ô nhiễm nguồn nước. Khai thác nước ngầm quá mức cũng là yếu tố ảnh hưởng tài nguyên này. Qúa trình đô thị hóa với đất đô thị tăng 15 lần trong hơn 20 năm qua là yếu tố góp phần làm khí hậu khu vực khô hơn, trung bình tăng từ 1,3 đến 1,4 độ C từ năm 1986 đến 2014, dự báo tăng từ 1,9 đến 3,5 độ vào năm 2099.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trương Thanh Cảnh, Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM cho rằng, ĐBSCL cần khôi phục lại những vùng đất ngập nước có vai trò giữ nước khi thừa, cung cấp khi thiếu. Cần ưu tiên khôi phục lại những vùng đất ngập nước trước đây. "Ngoài ra chúng ta cũng có thể thích ứng bằng việc tổ chức sản xuất nông nghiệp lựa chọn những cây trồng cần ít nước, tiết kiệm nước hay phát triển mô hình sản xuất phù hợp với điều này", PGS Cảnh nói.

Trước những thách thức này, PGS Quang đề xuất cần có kế hoạch chiến lược cho cả vùng, ưu tiên những giải pháp bên trong lãnh thổ thay vì cố gắng thay đổi yếu tố từ bên ngoài là khu vực thượng lưu. Ngoài ra các cơ quan quản lý, nhà khoa học cần tìm ra những giải pháp giảm tiêu thụ, giảm thất thoát, giảm ô nhiễm nguồn nước...

"Tôi đề xuất cần có giải pháp căn cơ để trữ nước có tính chiến lược bằng các đề tài nghiên cứu với các giải pháp phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa chất, thủy văn của nước ta", PGS Quang nói.

Hà An