Ai được kiểm tra dữ liệu điện thoại của người khác?

Theo luật sư, việc thu thập, công khai thông tin đời sống riêng tư phải được người liên quan đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tối 13/3, chị Hồng Nhung (vợ nghệ sĩ Xuân Bắc) đăng bài cảnh báo các phụ huynh sau khi phát hiện con trai 13 tuổi bị dụ tham gia một số hội nhóm 18+ trên mạng xã hội khi kiểm tra điện thoại. Ngoài nhắc nhở các ông bố, bà mẹ, chị còn đính kèm ảnh chụp màn hình từ tài khoản mạng xã hội của con trai.

Từ hành động này, nhiều người đặt câu hỏi dữ liệu tin nhắn điện thoại có thuộc đối tượng được bảo mật không. Và ai có quyền kiểm tra dữ liệu điện thoại của người khác?

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội

Theo Khoản 3, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ những dữ liệu này chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

Từ quy định trên, có thể thấy tin nhắn trên các nền tảng mạng xã hội cũng được coi là bí mật cá nhân, thể hiện dưới dạng “hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác”. Do đó, quyền riêng tư, bảo đảm bí mật với tin nhắn là quyền bất khả xâm phạm, được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

kiem tra dien thoai cua nguoi khac anh 1

Luật sư Trần Xuân Tiền. Ảnh: NVCC.

Trong một số trường hợp nhất định, cơ quan có thẩm quyền có thể khám xét, tịch thu, kiểm tra điện thoại của một người.

Cụ thể, trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan chức năng có quyền khám đồ vật, trong đó có điện thoại di động. Tuy nhiên, việc khám này chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng trong đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính, theo quy định khoản 1, Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trong vụ án hình sự, theo quy định tại khoản 2, Điều 192 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, việc khám xét dữ liệu điện tử (có trong điện thoại) chỉ được tiến hành khi có căn cứ nhận định trong đó có công cụ, phương tiện phạm tội hoặc tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan vụ án.

Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp này, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cũng chỉ được khám xét, thu giữ các dữ liệu trong điện thoại có liên quan trực tiếp vụ việc. Các dữ liệu khác thuộc về bí mật cá nhân của người sở hữu tài sản phải được đảm bảo, tôn trọng và bảo vệ bí mật tuyệt đối. Đồng thời, mọi trường hợp khám xét đều phải được lập biên bản.

Ngoài các trường hợp trên, việc công khai nội dung tin nhắn, dữ liệu điện thoại của người khác đều là hành vi vi phạm.

Đối với sự việc của chị Nhung, căn cứ Luật Trẻ em 2016, việc chị nhận thấy điện thoại của con có những thông tin độc hại, lệch lạc, không phù hợp với lứa tuổi và yêu cầu kiểm tra là không sai. Tuy nhiên, việc sử dụng, công khai những thông tin này lên mạng là chưa phù hợp.

Cha mẹ có được kiểm tra điện thoại của con?

Theo luật sư, cha mẹ có thể kiểm tra điện thoại của con để phát hiện thông tin xấu độc. Tuy nhiên, việc đăng tải nội dung tin nhắn lên mạng là chưa đúng theo quy định pháp luật.